Mức 1,7 triệu đồng được coi là khá hợp lý, tránh gây "sốc" cho thị trường mà doanh nghiệp vẫn đảm bảo hoạt động bình thường...
Nhu cầu vé máy bay trong dịp Tết tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bộ Tài chính đang xem xét phương án nâng trần giá vé máy bay do hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Pacific Airlines đệ trình. Nhiều khả năng, vé một chiều hạng phổ thông áp dụng cho trục bay nội địa sẽ có giá cao nhất 1,7 triệu đồng, thay cho mức hiện tại 1,5 triệu đồng.
Theo một quan chức của Bộ Tài chính, trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay việc tăng giá vé lúc này cần phải tính toán thận trọng, vì máy bay vẫn là phương tiện đi lại khá xa xỉ đối với đại bộ phận dân chúng. Mức 1,7 triệu đồng được coi là khá hợp lý, tránh gây "sốc" cho thị trường mà doanh nghiệp vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.
"Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính chỉ quy định mức trần đối với giá vé hạng phổ thông (Y) đối với chặng bay nội địa, còn giá sàn sẽ do doanh nghiệp tự quyết, tùy thuộc vào khả năng của mình", vị quan chức này cho biết.
Kiến nghị nâng trần giá vé trục bay Bắc - Nam từ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu đồng và tiến tới bỏ giá trần để thị trường điều tiết được Vietnam Airlines và Pacific Airlines đưa ra từ mấy năm trước. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5-2007 phương án chi tiết mới được trình lên Bộ Tài chính.
Cả hai hãng Vietnam Airlines và Pacific Airlines đều cho rằng họ không kiếm được lời từ các đường bay nội địa. Lý do là giá dầu thế giới hiện cao ở mức kỷ lục với gần 100 USD một thùng, trong khi giá trần 1,5 triệu đồng cho chuyến bay nội địa áp không thay đổi từ năm 2001, khi giá dầu trên dưới 30 USD một thùng.
Tại Thông tư hướng dẫn về quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa của Liên bộ Giao thông Vận tải - Tài chính quy định Bộ Tài chính chỉ có quyền quyết định khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông (Hạng Y); giá dịch vụ cất, hạ cánh điều hành bay đi, đến, hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, soi chiếu an ninh và khung giá một số dịch vụ còn độc quyền tại cảng hàng không sân bay...
Vietnam Airlines cho biết, mỗi năm hãng đang lỗ hơn 300-500 tỷ đồng trên các chặng bay nội địa, trong khi hệ số sử dụng ghế luôn đạt trên 70% - mức tương đương với một sống hãng hàng không lớn trong khu vực. Do vậy, việc nâng trần giá vé sẽ giúp hãng cân đối được hoạt động kinh doanh.
Phía Pacific Airlines cũng cho rằng nâng trần giá vé hoặc bỏ hẳn trần, hành khách mới được hưởng lợi. Bởi khi nâng trần, biên độ đa dạng vé càng cao, người nhiều tiền muốn được hưởng dịch vụ có điều kiện tốt thì phải trả mức giá cao và ngược lại, người ít tiền thì sử dụng giá vé với dịch vụ tối thiểu. Như vậy, hàng không sẽ có nhiều mức giá khác nhau để hành khách lựa chọn. Hiện Pacific Airlines có 11 giá vé khác nhau với mức thấp nhất là 15.000 đồng, mức cao nhất cho vé hạng phổ thông là 1,5 triệu đồng cho một chiều bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (HCM).
Vietnam Airlines cũng có khoảng 30 loại giá vé khác nhau, trong đó giá vé phổ thông áp dụng cho tuyến Hà Nội - TP. HCM có mức cao nhất là 1,5 triệu đồng một chiều bay. Các mức giá này chưa bao gồm thuế.
Theo VnExpress