Sau một thời gian "làm không công" dịch vụ ATM cho khách hàng, các nhà băng đang tính đến chuyện thu phí để bù đắp cho nguồn vốn đầu tư khổng lồ đã bỏ ra...
Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) thu phí ATM bằng cách trừ tiền tự động vào tài khoản cá nhân khách hàng 10.000 đồng mỗi tháng, bắt đầu từ 1-11. VIB Bank "lấy" 20.000 đồng phí ATM.
Sau một thời gian "làm không công" dịch vụ ATM cho khách hàng, các ngân hàng đang tính đến chuyện thu phí để bù đắp cho nguồn vốn đầu tư khổng lồ đã bỏ ra.
Lâu nay ngân hàng ACB chỉ thu phí duy trì tài khoản với mức 20.000 đồng một tháng, đối với những khách hàng có số dư bình quân hằng tháng thấp hơn 500.000 đồng. Từ tháng 11, bất kỳ khách hàng nào có tài khoản cá nhân dùng thẻ rút tiền tự động ATM phải trả khoản phí dịch vụ 10.000 đồng.
Trước ACB, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Tế (VIB Bank) thu 20.000 đồng phí tài khoản tiền gửi thanh toán đối với khách hàng thông thường. Những khách mở tài khoản chỉ để phục vụ mục đích vay vốn tại VIB Bank được miễn phí.
Đây là hai ngân hàng đầu tiên đi đầu thu phí từ tài khoản ATM, trong khi những ngân hàng khác ra sức mời gọi khách hàng nhằm gia tăng lượng tài khoản mở mới và đua đầu tư công nghệ để tăng tính cạnh tranh.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB cho hay, quyết định thu phí ATM trên toàn hệ thống được đưa ra dựa trên nền công nghệ tốt cùng các giá trị cộng thêm mà ACB đem đến cho khách hàng. Đó cũng là cách tạo sự bình đẳng cho mọi người đến giao dịch tại ACB.
Tuy nhiên, đại diện nhiều ngân hàng có dịch vụ ATM đều cho rằng, chưa đến thời điểm thu phí dùng thẻ với khách hàng.
Ông Huỳnh Song Hào, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP. Hồ Chí Minh khẳng định, về lý, tất cả các ngân hàng trên thế giới khi cung cấp tài khoản cá nhân đều phải thu phí. Tuy nhiên, do đặc thù nền kinh tế tiền mặt, người dân Việt Nam vẫn chưa quen với việc cất tiền trong tài khoản. Tỷ lệ bình quân sử dụng ATM tính trên dân số rất thấp. Vậy nên, theo ông, thời điểm hiện tại ngân hàng này vẫn phải mời gọi khách hàng. "Trong tương lai, khi sản phẩm dịch vụ thỏa mãn được yêu cầu của người dân, chuyện thu phí ATM là bức thiết", ông Hào nói.
Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank) Trần Phương Bình cho biết, chi phí đầu tư để phát triển mạng lưới máy rút tiền tự động và gia tăng số lượng người dùng thẻ rất lớn, nhất là đối với những đơn vị tiên phong.
Thẻ ATM hiện vẫn phải đặt làm ở nước ngoài với giá 15-16 cent, nếu mua với số lượng vài chục nghìn thẻ. Tính thêm tiền in ấn, một chiếc thẻ ra lò có giá khoảng 10.000 đồng, vài năm trước, giá còn cao hơn. Trong khi để người dân chịu dùng thẻ, ngân hàng phải chấp nhận phát không cho khách hàng. Một chiếc máy rút tiền hiện tại có giá bình quân 20.000 USD, máy cà thẻ (POS) đặt tại các siêu thị, điểm thanh toán giá vài nghìn USD. Đó là chưa tính đến chi phí quản lý hệ thống, xử lý giao dịch mà ngân hàng này trả cho các ngân hàng khác trong trường hợp khách hàng rút tiền tại máy ATM thuộc hệ thống liên minh thẻ.
Đầu tư cho hệ thống thẻ rất tốn kém, tuy nhiên, theo ông Bình, trong giai đoạn này, Đông Á vẫn muốn mở rộng mạng lưới, tìm kiếm thêm khách hàng nên chưa thể tính chuyện thu phí ngay. "Trong tương lai, khi thu nhập của người dân khá dần lên, ngân hàng mới đề ra mức thu phí phù hợp dựa trên các dịch vụ phát sinh", Tổng Giám đốc Đông Á nói.
Tuy nhiên, theo ông, mức phí này không mang tính bắt buộc, nghĩa là ai sử dụng dịch vụ thì mới phải trả tiền. Dong A Bank vẫn phục vụ dịch vụ ATM miễn phí và ăn hoa hồng từ các đơn vị khác khi khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện, nước... hằng tháng
Vietcombank hiện dẫn đầu về mạng lưới ATM với trên 2 triệu khách hàng dùng thẻ rút tiền tự động. Dong A Bank đứng thứ hai với 1,6 triệu thẻ được phát hành.
Theo VietNamNet