Liên tục nhiều năm, công nghiệp Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng chậm dần. Đây là hệ quả tất yếu của sự hụt hẫng vốn đầu tư. Ngành CN địa phương đang hy vọng tốc độ tăng trưởng...
Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang tiếp tục đầu tư nhiều loại máy sản xuất sợi tự động để nâng cao năng suất. |
Liên tục nhiều năm, công nghiệp (CN) Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng chậm dần. Đây là hệ quả tất yếu của sự hụt hẫng vốn đầu tư (ĐT). Ngành CN địa phương đang hy vọng tốc độ tăng trưởng sẽ khởi sắc trở lại từ những dự án có vốn lớn đang chuẩn bị ĐT vào các khu vực kinh tế trọng điểm.
Năm 2006, CN Khánh Hòa tiếp tục đứng trong danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đó là kết quả của việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Trong 5 năm (2001 - 2005), các doanh nghiệp (DN) đã ĐT gần 4.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, mức độ ĐT cũng chỉ dừng lại ở một số DN có tiềm lực; còn những DN đang gặp khó khăn về vốn đều không dám nghĩ đến chuyện ĐT. Vì vậy, tuy số lượng các cơ sở sản xuất CN trên địa bàn tỉnh khá lớn (khoảng 7.000 cơ sở) nhưng sự tác động vào tốc độ tăng trưởng chung của CN địa phương không đáng kể.
Từ năm 2006 đến nay, CN Khánh Hòa gặp không ít khó khăn. Bên cạnh những biến động về giá, việc khan hiếm nguyên liệu sản xuất cũng như sự khống chế hạn ngạch trong nhiều lĩnh vực đã làm cho mức tăng trưởng CN toàn ngành gặp khó khăn.
Từ khi vùng kinh tế trọng điểm ở Cam Ranh và vịnh Vân Phong khởi động, Khánh Hòa được xem là tâm điểm để các nhà ĐT tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Đặc biệt, Khu Kinh tế Vân Phong đang có một lợi thế lớn để thu hút những tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, có năng lực hàng đầu thế giới đến hoạt động. Đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong đã có nhiều dự án được đồng ý hoặc đang thỏa thuận địa điểm ĐT với tổng vốn lên đến 13,4 tỷ USD. Điển hình như: Kho xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang (110 triệu USD), Trạm trung chuyển xi măng Nghi Sơn (30 triệu USD), Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (3,5 tỷ USD), Nhà máy nhiệt điện (3,4 tỷ USD)… Bên cạnh đó, khu vực Cam Ranh đã có nhiều nhà ĐT xin đăng ký lập dự án vào các khu CN phía Nam và Bắc Cam Ranh để cùng với các dự án: Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh (giai đoạn 1: 598 tỷ đồng), Nhà máy Xi măng Cam Ranh (450 tỷ đồng) cất cánh CN phía Nam tỉnh.
Tuy nhiên, việc thu hút ĐT vào các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh không chỉ một sớm một chiều. Trước mắt, những dự án ĐT đã và đang triển khai trong 2 năm trở lại đây sẽ giúp giá trị sản xuất CN địa phương tăng dần trong giai đoạn từ nay đến năm 2010. Trong đó, Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh, Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong hoặc những dự án đổi mới trang thiết bị công nghệ, mở rộng sản xuất ở một số DN chiếm tỷ trọng lớn sẽ có thể đảm nhận được sự tăng trưởng CN trước mắt (như: Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin đầu tư hơn 40 triệu USD thực hiện hoán cải và đóng mới tàu trong năm 2008). Trong chuyến công tác mới đây tại Khánh Hòa, ông Hoàng Quốc Vượng - Cục trưởng Cục CN địa phương (Bộ Công Thương) nhận định: Công tác quy hoạch phát triển CN ở Khánh Hòa đang có triển vọng thu hút nhiều dự án ĐT lớn. Tuy nhiên, phát triển CN cần chú trọng đến các dự án mang tính khả thi, có công nghệ cao để bảo vệ môi trường bền vững…
Trong tương lai không xa, các khu kinh tế ở Khánh Hòa sẽ thực sự lớn mạnh, môi trường ĐT sẽ tiếp tục được cải thiện để thu hút vốn vào lĩnh vực CN. Tuy nhiên, muốn tốc độ tăng trưởng CN cao và bền vững, tỉnh cần khẩn trương xây dựng hạ tầng các khu CN, xem đây là yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh về môi trường ĐT khi chính sách ưu đãi giữa các địa phương đều như nhau.
HOÀNG TRIỀU