Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng tới 0,74% so với tháng trước, nâng tổng mức tăng giá kể từ đầu năm tới nay lên 8,12%...
Tuy có nhiều biện pháp kiềm chế tăng giá được đưa ra nhưng giá tiêu dùng trong tháng 10 này vẫn tăng mạnh.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng tới 0,74% so với tháng trước, nâng tổng mức tăng giá kể từ đầu năm tới nay lên 8,12%.
Tăng giá mạnh nhất là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng. Giá nhóm mặt hàng này tăng 1,51% so với tháng 9. Đứng thứ 2 là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, với mức tăng 1,09% so với tháng trước; trong đó lương thực tăng tới 1,11%, thực phẩm là 1,19%. Nhóm dược phẩm, y tế có mức tăng 0,81%, đứng thứ 3 trong rổ hàng hóa được đưa ra tính chỉ số.
Những nhóm còn lại có mức tăng khá thấp: nhóm đồ uống, thuốc lá (0,41%), thiết bị và đồ dùng gia đình (0,21%); may mặc, mũ nón, giày dép (0,29%)... Riêng bưu chính viễn thông; nhóm văn hoá, thể thao, giải trí giảm nhẹ so với tháng trước.
Tính theo địa phương, Thừa Thiên - Huế có mức tăng giá cao nhất trong tháng 10 với mức tăng 1,2%; kế đến là Bình Dương: 1,1%. Trong khi TP. Hồ Chí Minh có tăng mức 0,82% thì Hà Nội chỉ tăng 0,46%, một phần nhờ tháng khuyến mại diễn ra trong tháng này.
Với mức tăng 0,29%, Thái Nguyên là tỉnh có mức tăng giá thấp nhất trong tháng 10.
Ở một diễn biến khác, do ảnh hưởng của giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh, tại thị trường trong nước, giá kim loại quý này tiến sát ngưỡng 1,5 triệu đồng/chỉ, hiện dao động quanh mức 1,470 triệu đồng/chỉ. Chính vì vậy, trong tháng 10, giá vàng có tốc độ tăng tới 6,04%. Ngược lại, giá USD lại giảm 0,6% so với tháng trước.
Theo Hanoimoi