Không ầm ĩ như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng hay dịch heo tai xanh, nhưng bệnh dịch trên tôm hùm đã và đang làm cho người nuôi trồng thủy sản điêu đứng...
Không ầm ĩ như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng hay dịch heo tai xanh, nhưng bệnh dịch trên tôm hùm đã và đang làm cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS) điêu đứng khi thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy các cơ quan chức năng, các nhà khoa học đã vào cuộc, nhưng nguyên nhân tôm chết, cách phòng trị bệnh dịch trên tôm hùm vẫn đang dừng lại ở quá trình... nghiên cứu.
Người dân vẫn đang nơm nớp lo âu khi chưa tìm ra tác nhân, nguyên nhân và cách phòng trị bệnh cho tôm hùm. |
Khánh Hòa là địa phương có nghề nuôi tôm hùm phát triển nhất Việt Nam. Toàn tỉnh hiện có trên 29.800 ô lồng nuôi tôm hùm, trong đó TP. Nha Trang có 8.472, Vạn Ninh 7.598, Ninh Hòa 500, Cam Ranh 13.230. Sản lượng tôm hùm nuôi đạt khoảng 1.000 tấn/năm. Đây cũng là nghề nuôi phát triển tương đối mạnh và cho thu nhập tương đối cao. Cuộc sống và diện mạo của các làng biển cũng từ đó thay da đổi thịt. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, hiện tượng dịch bệnh trên tôm hùm đã và đang làm cho người chăn nuôi điêu đứng; bao nhiêu tài sản, vốn liếng “đội nón” ra đi vì tôm chết.
Theo báo cáo của Sở Thủy sản, tháng 7-2006, dịch bệnh tôm hùm bắt đầu xuất hiện ở xã Cam Bình (Cam Ranh), đến nay xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, gây chết hàng loạt với số lượng lớn. Tính đến tháng 10-2007, tôm hùm chết chiếm khoảng gần 50% số lượng tôm đang nuôi tại Khánh Hòa, ước thiệt hại khoảng trên 200 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Sở Thủy sản đã phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS III, Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành kiểm tra, khảo sát và lấy mẫu để nghiên cứu bệnh phẩm. Kết quả cho thấy, tôm bệnh có màu sắc nhợt nhạt, thân hơi đỏ, phần bụng có chất dịch màu trắng đục lan rộng, giảm ăn đến bỏ ăn hoàn toàn và chết 3 - 7 ngày sau khi có dấu hiệu bệnh lý. Phân tích mẫu tôm bệnh cho thấy có sự hiện diện của 2 loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio (Vibrio alginolyticus, V. fluvialis); phân tích ký sinh trùng cho thấy sự hiện diện của vi bào tử trùng Microsporodians trong cơ và mang tương đối cao. Theo phản ảnh của các địa phương, người nuôi đã thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Thủy sản, sử dụng một số kháng sinh có công dụng chữa trị đường ruột, đục thân, viêm gan tụy… và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, hiện tượng tôm chết chỉ giảm trong 2 tuần rồi bệnh trở lại và gây chết hàng loạt. Đến thời điểm này, vẫn chưa tìm được tác nhân, nguyên nhân và cách phòng bệnh có hiệu quả.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu NTTS III là đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu về nuôi và phòng bệnh cho tôm hùm. Hiện Viện mới chỉ xác định được tác nhân, nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng, trị 2 triệu chứng bệnh đen mang, đỏ thân; 10 triệu chứng còn lại chưa xác định được tác nhân, nguyên nhân gây bệnh một cách chính xác. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh trên có một số loại không phải tác nhân gây bệnh sinh học như: hàu bám, bệnh dính vỏ, mềm vỏ… và không lan thành dịch, thiệt hại không lớn. Theo nhận định ban đầu, hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt hiện nay chủ yếu do bệnh tôm sữa. Triệu chứng của loại bệnh này là đốt thân giáp đầu, ngực chuyển màu sáng đục, sau đó lan dần xuống các đốt phía đuôi. Khi bị bệnh, tôm bỏ ăn và chết sau 2 - 5 ngày. Loại bệnh này lây lan nhanh trong lồng nuôi, từ lồng này sang lồng khác. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm, đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới nhưng chưa có tài liệu nào thông báo về tác nhân, nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng, trị.
Đến thời điểm này, hiện tượng tôm hùm nuôi chết hàng loạt đã xảy ra ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, gây thiệt hại cho ngành NTTS hàng trăm tỷ đồng. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành quyết định thành lập tổ công tác giải quyết bệnh dịch cho tôm hùm tại các tỉnh miền Trung. Nhiệm vụ của tổ công tác là điều tra phương pháp nuôi, con giống, thức ăn, môi trường, lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, tổ chức hội nghị chuyên đề để xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng, trị bệnh cho tôm hùm; xây dựng tài liệu hướng dẫn, tập huấn cho người nuôi, áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Trong thời gian từ 26-9 đến 26-11-2007, cần kết thúc việc điều tra xác định tác nhân và nguyên nhân gây bệnh đối với tôm hùm và hoàn tất tài liệu tập huấn.
ANH TUẤN