Tiền đồng Việt Nam tăng giá so với USD là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Chính phủ buộc phải hút tiền mặt khỏi lưu thông nhằm kềm chế lạm phát...
Tiền đồng Việt Nam tăng giá so với USD là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Chính phủ buộc phải hút tiền mặt khỏi lưu thông nhằm kềm chế lạm phát
Trái phiếu Chính phủ mất giá
Lạm phát cao đòi hỏi hạn chế việc đưa tiền ra lưu thông, và còn phải hút mạnh lượng tiền từ lưu thông về. Đấu thầu trái phiếu chính phủ qua Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội rất thấp và giảm trong khi lãi suất trúng thầu lại tăng dần (nếu phiên 11-6 là 7,15%/năm thì phiên 20-9 đã lên đến 8% và phiên 4-10 khối lượng trúng thầu đã bằng 0), chủ yếu là do lạm phát cao, lãi suất trần không hấp dẫn.
Trên thị trường chứng khoán ở cả hai sàn (TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội), ở cả thị trường chính thức và không chính thức, cổ phiếu tái tăng giá sau một thời gian dài trầm lắng đã nhanh chóng thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trở lại thị trường (còn cao gấp đôi những phiên sôi động đầu năm).
Lượng vốn đó ở đâu ra? Ngoài việc chuyển từ các kênh đầu tư khác ra, các chuyên gia đã cho rằng, lượng tiền đưa ra mạnh như trên còn có nguồn gốc từ ngân hàng thương mại ở hai nguồn. Nguồn thứ nhất là tiền tiết kiệm, bao gồm số tiền đang gởi tiết kiệm ở ngân hàng và số tiền tiết kiệm dự định gởi vào ngân hàng nhưng do lãi suất thấp nên đã được rút ra hoặc không gởi vào nữa.
Nguồn thứ hai là các ngân hàng thương mại tìm cách đẩy thêm vốn cho các nhà đầu tư bằng nhiều cách. Một cách mới, không ồn ào là các ngân hàng này đã bắt tay với các công ty chứng khoán để cho vay cầm cố cũng như repo (mua bán kỳ hạn cổ phiếu) và quản lý tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.
Xu hướng VND lên, USD xuống
Về tỷ giá VND/USD vào ngày 8-10, một USD chỉ còn đổi được 16.082 VND, tuy tăng 107 VND so với mức đáy đầu năm, nhưng đã giảm 173 VND so với mức đỉnh vào ngày 17-8.
Quan hệ với EU giúp Việt Nam cân bằng lại sự ảnh hưởng cả về chính trị lẫn kinh tế từ những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc
Các chuyên gia dự đoán, tiền đồng sẽ còn lên giá cao hơn nữa và đó cũng là xu hướng chung của các đồng nội tệ ở các nước chung quanh như Singapore, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc… Nguyên nhân chính là do sự cắt giảm lãi suất cơ bản 0,5% từ 5,25% xuống 4,75% ngày 18.9 và có khả năng sẽ còn cắt giảm tiếp trong thời gian tới của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Động thái này đã có tác động hồi phục mạnh thị trường chứng khoán toàn cầu và lượng USD đổ vào Việt Nam sẽ tăng tốc.
Trên thị trường chứng khoán, tổng giá trị vốn hoá đạt khoảng 300.000 tỉ đồng, tương đương với gần 20 tỉ USD, thì lượng vốn của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đã chiếm trên một phần tư. Sau khi Mỹ cắt giảm lãi suất, giá trị cổ phiếu mua vào ròng (mua vào trừ bán ra) của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trên hai sàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tăng vọt lên khoảng 60 triệu USD/tuần, cao gấp ba lần so với tháng 7, tháng 8, tương đương với tháng 1.2007.
Thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng kiều hối, thu từ khách quốc tế… lập kỷ lục mới, tạo ra cung ngoại tệ tăng mạnh. Trong khi đó, cầu về ngoại tệ lại tăng không tương ứng: không còn tình trạng huy động ngoại tệ với lãi suất thấp ở trong nước để cho vay ở nước ngoài (do lãi suất Sibor trên thị trường thế giới thấp, hiện chỉ dao động ở mức 4,5%/năm, do phải cộng thêm 10% dự trữ bắt buộc).
Ngân hàng Nhà nước cũng không thể “bơm” thêm tiền đồng ra để mua ngoại hối dự trữ, bởi đang lo kiềm chế lạm phát đang có nguy cơ vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo SGTT