“Nghề lưới đăng cổ truyền vẫn chỉ dựa vào tiềm năng cá biển do vị trí tự nhiên đã ưu đãi cho Khánh Hòa mà chưa tiếp cận được hệ thống trang thiết bị và vật liệu theo hướng tiên tiến”...
“Nghề lưới đăng cổ truyền vẫn chỉ dựa vào tiềm năng cá biển do vị trí tự nhiên đã ưu đãi cho Khánh Hòa mà chưa tiếp cận được hệ thống trang thiết bị và vật liệu theo hướng tiên tiến” - Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Văn Động, Giảng viên cao cấp khoa Khai thác thủy sản (KTTS) trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) cho biết. Để nghề lưới đăng truyền thống của địa phương tiếp cận được với công nghệ (CN) lưới đăng tiên tiến trên thế giới là vấn đề đặt ra tại Hội thảo “CN KTTS lưới đăng” do trường ĐHNT và trường ĐH Hải dương quốc gia Cao Hùng (Đài Loan) vừa tổ chức.
° Một nghề “bảo thủ”
Các nhà khoa học 2 trường Đại học Nha Trang và Đại học Hải dương quốc gia Cao Hùng (Đài Loan) trao đổi về công nghệ khai thác lưới đăng. |
Hiện Khánh Hòa có 8 đầm đăng đang hoạt động, gồm: Nha Trang 3, Vạn Ninh 3, Cam Ranh 1, Ninh Hòa 1. Lưới đăng khai thác theo 2 mùa: Vụ Bắc (vụ cá lên) từ tháng 1 đến tháng 5 âm lịch, vụ Nam (vụ cá lui) từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Đối tượng khai thác của nghề lưới đăng là những loài thủy sản có sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, cá cờ, cá kiếm. Chính vì thế, đây là nghề KTTS rất có tiềm năng và triển vọng.
Tuy nhiên, hiện nay, nghề lưới đăng đang gặp nhiều thách thức: Giảm sút về sản lượng dẫn đến một số đầm đăng ngừng hoạt động. Nguồn lợi suy giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do lưới rê xa bờ hoạt động mạnh, cường lực khai thác đã tới ngưỡng. Hạch toán chi phí đầu vào, đầu ra có chiều hướng không thuận lợi cho người sản xuất. Về chủ quan, kỹ thuật khai thác đầm đăng không cải tiến do trình độ cập nhật CN, ý thức tiếp nhận thông tin, khả năng đầu tư tài chính hạn chế của ngư dân như nhận xét của PGS-TS Nguyễn Văn Động: “Đây là một nghề “bảo thủ”. TS Jiingkae Kirk Wu (trường ĐH Hải dương quốc gia Cao Hùng, Đài Loan) nhận xét: “Tuy vài năm trở lại đây, thiết bị hiện đại hơn nhưng nhìn chung, lưới đăng ở Việt Nam đơn giản về mặt cấu trúc, khả năng khai thác kém hiệu quả, quy mô lưới nhỏ hơn nhiều so với ở Đài Loan, trang bị máy móc kỹ thuật cho nghề lưới đăng vẫn còn hạn chế. Nếu có phương pháp khai thác hợp lý sẽ đạt năng suất cao, giúp ích rất nhiều cho ngư dân”.
° Cần tiếp cận công nghệ mới
Làm thế nào để cá dễ vào, khó ra, đó là câu hỏi các nhà khoa học đến từ Đài Loan, nơi nghề lưới đăng phát triển ở trình độ cao nêu ra tại hội thảo. Câu trả lời là phải quan tâm nhiều đến yếu tố kỹ thuật. Từ những yếu tố cơ bản, CN khai thác lưới đăng Đài Loan đã có những thay đổi dựa vào tập tính của cá để có thể khai thác đạt hiệu quả cao nhất. Các nhà khoa học trường ĐH Hải dương quốc gia Cao Hùng đã giới thiệu và trao đổi với các nhà khoa học của trường ĐHNT, các viện, đại diện Bộ Thủy sản và một số Sở Thủy sản về CN khai thác lưới đăng đang dùng phổ biến ở Đài Loan.
Lưới đăng ở Đài Loan được xem là thân thiện với môi trường, được khuyến khích phát triển. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Động, về nguyên tắc, CN lưới đăng của Việt Nam và Đài Loan không khác nhau nhưng có những yếu tố có thể học tập được, ví dụ: Lưới cố định, kiểu bẫy, có bộ phận lưới dẫn cá chắn ngang đường đi… CN lưới đăng của Đài Loan sử dụng kỹ thuật cao: Tự động hóa quá trình thu lưới, các chi tiết của lưới như hệ thống dây, lưới, phao chì, hệ thống cảnh báo tự động tốt hơn. Qua hội thảo, chúng ta có thể học hỏi mô hình làm ăn có hiệu quả, kinh nghiệm và thiết bị của phía bạn.
TS Jiingkae Kirk Wu cho biết: “Mục đích chính tại buổi hội thảo là giới thiệu CN lưới đăng và tìm kiếm đối tác để cộng tác phát triển CN này”. Ở Đài Loan, người dân đầu tư CN này sau 2 - 3 năm có thể thu hồi vốn. Vì có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, người dân và nhà khoa học nên nghề lưới đăng ở Đài Loan phát triển với tốc độ cao.
° Khai thác kết hợp nuôi trồng - du lịch: Hướng phát triển bền vững của nghề lưới đăng
Nghề lưới đăng có ưu điểm kết hợp với nuôi trồng và khai thác du lịch biển. Đây là mô hình thành công ở Đài Loan. PGS-TS Nguyễn Văn Động chia sẻ: Cần phải có hướng kết hợp nghề lưới đăng với nghề nuôi trồng thủy sản và du lịch để đảm bảo sự phát triển bền vững vì nguồn lợi ven bờ đã suy giảm...
Được biết, qua lần hợp tác này, 2 trường ĐH và các đơn vị sản xuất ngư cụ sẽ xây dựng, phát triển đề cương hợp tác, xin hỗ trợ kinh phí từ Chính phủ Việt Nam và Đài Loan tiến hành mô hình thực nghiệm lưới đăng theo CN Đài Loan tại Khánh Hòa và Quảng Trị.
K.N