Doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các dự án kinh doanh bất động sản (BĐS), nếu chưa bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì không được huy động vốn của khách hàng...
Nghị định 153 sẽ sàng lọc những DN không có khả năng tài chính trong kinh doanh bất động sản - Ảnh: D.Đ.M |
Doanh nghiệp (DN) đầu tư vào các dự án kinh doanh bất động sản (BĐS), nếu chưa bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì không được huy động vốn của khách hàng. Đó là quy định mới theo Nghị định 153/2007 hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (ngày 15-10-2007). Giá nhà đất sẽ tăng theo quy định này, đó là nhận định của các công ty địa ốc.
Ông Trần Mạnh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) cho biết: "Quy định chỉ cho phép DN huy động vốn khi bắt đầu triển khai hạ tầng, sẽ có nhiều DN ít vốn lâm vào tình trạng khó khăn. Bởi thực tế tại các dự án, khi đền bù giải tỏa xong và đóng tiền sử dụng đất thì DN đã bỏ vào dự án ít nhất 50 - 60% vốn trên tổng vốn đầu tư. Số vốn này trước đây DN thường huy động từ khách hàng, nay DN đầu tư kinh doanh địa ốc phải có thực lực, bỏ vốn ra ít nhất là 70% trên tổng giá trị dự án mới làm được". Do DN phải bỏ vốn nhiều vào giai đoạn ban đầu, nên giá đất bán ra sẽ cao hơn so với cách làm trước đây. Lúc trước, DN thường kinh doanh theo kiểu "bán lúa non", bây giờ DN phải đi vay tiền làm dự án cho đến lúc triển khai hạ tầng, giá đất sẽ tăng lên là điều chắc chắn. "Nếu không chủ động về nguồn tài chính, các DN sẽ bị "sốc" với quy định này" - ông Châu nói.
Nghị định 153/2007 quy định: Trường hợp chủ đầu tư dự án và khách hàng thỏa thuận mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước, việc ứng tiền phải được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Các lần huy động tiền ứng trước tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhà, công trình đó.
Đối với dự án kinh doanh nhà mà khách hàng đã ứng tiền trước nhưng chủ đầu tư chậm giao nhà, công trình xây dựng hoặc giao nhà không đúng chất lượng thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Khách hàng có quyền yêu cầu bồi hoàn lại tiền đã nộp.
Ông Lê Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) thì cho rằng: "Quy định siết lại nguồn vốn huy động từ khách hàng để loại trừ những rủi ro có thể xảy ra đối với người mua đất tại các dự án là điều đúng đắn khi trên thị trường BĐS còn có một số DN làm ăn thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, đa số DN sẽ rất khó khăn khi phải thực hiện theo quy định này, bởi tham gia thị trường BĐS hiện nay phần nhiều là các DN chưa có tiềm lực lớn". Do đó, ông Châu đề nghị: Tốt nhất là có thể cho DN huy động vốn từ khách hàng khi đã đền bù xong, có quy hoạch chi tiết 1/500 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu về nhà ở cùng tham gia dự án và giá đất không bị "đội" lên quá cao.
Ông Võ Đình Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty địa ốc ACB đề cập đến một khía cạnh khác của Nghị định 153: Luật Kinh doanh BĐS chia DN BĐS làm 2 loại: DN kinh doanh BĐS và DN kinh doanh các dịch vụ pháp lý BĐS như môi giới, thẩm định giá... Nghị định 153 quy định DN kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định là 6 tỉ đồng nhưng không quy định DN kinh doanh dịch vụ BĐS phải có số vốn là bao nhiêu. Điều này sẽ khiến cho mảng kinh doanh dịch vụ BĐS bị ách tắc nếu không có quy định cụ thể.
Theo Thanh Niên