Chưa bao giờ giá cả trên thị trường trong và ngoài nước lại diễn biến khó lường như thời điểm hiện nay. Giá tăng đã ảnh hưởng khá toàn diện đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt...
Chưa bao giờ giá cả trên thị trường trong và ngoài nước lại diễn biến khó lường như thời điểm hiện nay. Giá tăng đã ảnh hưởng khá toàn diện đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Giá dầu trên thế giới trong tuần qua đã liên tục tăng mạnh. Giá dầu ngọt nhẹ giao trong tháng 11 đã vượt ngưỡng 90 USD/thùng. Theo các chuyên gia tài chính, nếu tình hình an ninh thế giới tiếp tục bất ổn, nhiều khả năng giá dầu sẽ vượt trần, lên đến 100 USD/thùng. Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết, do giá dầu biến động mạnh nên kết thúc phiên giao dịch ngày 18-10, giá xăng nhập khẩu từ Singapore đã lên tới mức 89-90 USD/thùng. Với mức giá này, cộng với các khoản phí nhập khẩu, một lít xăng bán ra các doanh nghiệp (DN) đang bị lỗ từ 800-900đ/lít. Cũng theo ông Sang, do giá xăng mới chỉ tăng mạnh trong 1 tuần gần đây nên các DN còn có thể gồng mình chịu trận. Nhưng nếu mức giá này vẫn tiếp tục duy trì trong tuần tới, điều chắc chắn là các DN sẽ phải kiến nghị với các bộ ngành chức năng tăng giá xăng.
Tương tự, giá vàng đã tăng liên tục trong 1 tháng qua. Ngày 20-10, giá vàng SJC bán ra tiếp tục đứng ở mức 1,482 triệu đồng/chỉ - mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay (cao điểm tháng 5-2006 là 1,5 triệu đồng/chỉ). Điều đáng lưu ý, giá vàng trong thời điểm tăng cao nhưng sức mua trên thị trường trong những ngày qua lại trở nên nhộn nhịp. Đại diện Công ty SJC cho biết, có ngày lượng vàng bán ra đã vượt mức 7.000 lượng/ngày, tăng 30% so với trước đó. Giá vàng giao dịch trên thế giới cũng đã đạt mức 770 USD/ounce và nhiều khả năng sẽ đạt tới 800 USD/ounce. Nguyên nhân chính là nhu cầu mua vàng để dự trữ của các nước đang tăng mạnh.
Giá phân urê đã tăng 94-112USD/tấn; DAP tăng 178-200 USD/tấn. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, sắp bước vào vụ đông xuân, mức tiêu thụ các loại phân bón sẽ tăng mạnh, trong khi khả năng sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu. Theo đó, lượng phân bón tồn kho luân chuyển từ năm trước là rất thấp. “Trong tình hình này, giá phân bón sẽ còn tăng và thị trường phân bón đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường” – đại diện của hiệp hội cho biết.
Cùng với hàng công nghiệp, một số mặt hàng tươi sống trong những ngày qua cũng đã tăng khá cao. Điển hình nhất là mặt hàng thịt heo, thịt gà, rau củ quả và cá đồng. Giá heo hơi, tại các tỉnh đã đứng ở mức 18.000đ/kg và tại TP. Hồ Chí Minh đã đạt mức 25.000đ/kg. Điều đáng lưu ý, nguồn cung ở mặt hàng này năm nay trở nên rất khan hiếm. Theo ông Huỳnh Văn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), những năm trước bước vào đầu quý III các DN thành viên của Satra đã chuẩn bị đủ lượng thịt heo cấp đông để sản xuất giò chả, lạp xưởng….phục vụ Tết. Ngược lại, năm nay việc chuẩn bị nguồn hàng trở nên khá chật vật vì giá tăng cao trong khi nguồn heo lại hạn chế. Một số thương lái tại các chợ đầu mối cũng cho rằng, lượng heo phục vụ Tết Nguyên đán sẽ không thiếu nhưng nhiều khả năng giá bán trong những ngày cận Tết sẽ tăng rất cao vì hiện nay giá thức ăn chăn nuôi cũng đã tăng rất cao. Trong tuần qua, giá bán các loại gà làm sẵn cũng đã tăng bình quân từ 3.000-3.500đ/kg.
Giá hàng hóa tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân. Anh Đ.V.D, phường 25, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh cho biết, anh đã lên kế hoạch xây nhà từ năm ngoái, tất cả các hợp đồng đã đàm phán xong từ hồi cuối tháng 8-2007. Do công việc bận rộn nên việc khởi công đã bị chậm lại. Nay anh muốn khởi công thì phía nhà thầu nói trị giá công trình “đội” thêm 300 triệu đồng so với trước do giá sắt thép đã tăng từ 2-2,5 triệu đồng/tấn. “Không xây thì không được. Còn xây thì phải chịu thêm một khoản tiền rất lớn trong thời gian chưa đầy 2 tháng. Không biết cười hay là khóc đây!”- anh D. than.
Trong thời buổi giá cả đắt đỏ, các bà nội trợ cũng đang phải đối mặt với việc tính toán, cân đối để có được bữa ăn hợp lý. Tại chợ Văn Thánh, chị N.B.Mai cho biết, cách đây 1 năm tiền định mức đi chợ 100.000đ/ngày cho 5 miệng ăn còn dễ thở, bây giờ tăng thêm 20.000đ/ngày nhưng phải tính toán khá kỹ thì mới có bữa ăn ngon. Bởi lẽ, sườn non đã đứng ở mức 56.000-58.000đ/kg (tăng 8.000đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái), cá rô 60.000-65.000đ/kg, cá thu 70.000-75.000đ/kg… Đó là chưa kể rau, củ, quả, gia vị các loại cũng đã tăng bình quân từ 15%-20% so với cùng kỳ.
Do giá dầu và vàng tăng liên tục đã khiến hàng loạt các mặt hàng khác như sắt thép, nhôm, kim loại màu, dây cáp điện,… cũng tăng rất cao. Các DN sản xuất cáp điện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục kể từ đầu năm đến nay.
Giá các loại phân bón đồng loạt tăng cao trong thời gian qua đang trở thành điểm nóng và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước.
Theo SGGP