02:10, 08/10/2007

Sẽ không ban hành khung giá

Trước nguồn tin cho rằng trong trường hợp giá cả tăng đột biến, diễn biến khó lường, Bộ Tài chính có thể sẽ trình Chính phủ ban hành khung giá với một số mặt hàng thiết yếu...

Ảnh minh họa.

Trước nguồn tin cho rằng trong trường hợp giá cả tăng đột biến, diễn biến khó lường, Bộ Tài chính có thể sẽ trình Chính phủ ban hành khung giá với một số mặt hàng thiết yếu như thép, xi măng, phân bón...

Trong cuộc họp mới đây với đại diện các Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh: các bộ, ngành phải phấn đấu kiềm chế mức tăng CPI tháng 10 chỉ 0,3%, tháng 11 tăng 0,3%, tháng 12 tăng không vượt 0,4% để CPI cả năm chỉ tăng từ 8,2-8,3%.

Những ngày này hàng triệu hộ nông dân như ngồi trên đống lửa. Ngoài việc phải đối phó với những thiệt hại từ bão lũ, họ còn phải lo về giá phân bón đang tăng mạnh thêm khoảng 10% so với giữa tháng 9-2007.

Tại miền Bắc, giá phân urê đang ở mức 5.500 đồng/kg trở lên, những nơi vùng sâu, vùng xa, giá lên tới 6.500 đồng/kg.

Tại miền Trung, nhiều nơi giá phân urê bán đến tay người tiêu dùng đã tới 6.000 đồng/kg, còn tại đồng bằng sông Cửu Long, phân urê Trung Quốc tăng 400 đồng/kg lên 5.200 đồng/kg, đạm Phú Mỹ tăng 460 đồng/kg lên 5.500 đồng/kg...

Nói về nguyên nhân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết trong suốt thời gian qua cho rằng là do nhiều nhà máy urê, kali trên thế giới dừng sản xuất để bảo dưỡng thường niên và nhu cầu sử dụng một số loại phân bón toàn cầu tăng (khoảng hơn 20%) dẫn đến nguồn cung thấp hơn cầu, đẩy giá phân tăng lên.

Cùng thời điểm này, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, cuối tuần trước một số DN trong nước đã phải ký hợp đồng mua phôi thép từ Trung Quốc với giá 605 USD/tấn và đến đầu tuần này, giá phôi thép chào từ Trung Quốc đã tăng lên mức 618 USD/tấn.

Các DN sản xuất thép cho biết, đây là mức giá chào cao nhất từ trước đến nay và chưa có dấu hiệu sẽ giảm. Mức tăng giá phôi thép thời gian qua là khá nhanh, đầu tháng 9 chỉ ở mức 518 USD/tấn. Trong vòng 1 tháng qua giá phôi đã tăng đúng 100 USD/tấn.

Tổ điều hành thị trường vừa dự báo tháng 10-2007, giá lúa gạo thế giới và trong nước có thể vẫn ở mức cao do nguồn cung trên thị trường thế giới năm 2007 dự báo sẽ thiếu khoảng 5 triệu tấn gạo.

Theo đó, tại miền Bắc, tháng 9 giá thóc và gạo tẻ thường tăng nhẹ so với tháng 8 (tăng 100-250 đồng/kg), đặc biệt giá gạo tẻ thường ở tỉnh Lạng Sơn tăng 200 đồng/kg và ở mức cao 6.500 đồng/kg.

Mặc dù giá thực phẩm được tiên liệu có thể giảm nhẹ trên nhiều mặt hàng (thịt bò, lợn, rau củ, hải sản...), tuy nhiên đến thời điểm này, trước những thiệt hại lớn gây ra từ bão lũ, giới kinh doanh vẫn quan ngại, nguồn cung khan hiếm có thể gây sốt giá bất ngờ.

Trước nguồn tin cho rằng trong trường hợp giá cả tăng đột biến, diễn biến khó lường, Bộ Tài chính có thể sẽ trình Chính phủ ban hành khung giá với một số mặt hàng thiết yếu như thép, xi măng, phân bón...

Ngày 5-10, trao đổi với Tiền phong, ông Vũ Công Chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết: Quy định này đúng là có trong những biện pháp điều hành nhằm bình ổn giá cả của Pháp lệnh giá.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính, việc điều hành thị trường cần dựa trên điều tiết cung - cầu là chủ yếu (bởi theo quy luật kinh tế thị trường, ít nhất chúng ta cũng phải đảm bảo sản xuất, đủ bù đắp chi phí hạch toán cho DN) còn sử dụng biện pháp hành chính là điều rất hạn chế. 

Theo Tiền Phong