10:10, 03/10/2007

Bức tranh môi trường kinh doanh Việt Nam 2008

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó cải cách trong hai lĩnh vực quan trọng...

Các chuyên gia tại buổi công bố Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 do Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp hạng 91 trong tổng số 178 quốc gia được khảo sát. So với hạng 104 của năm 2006, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 13 bậc và được đánh giá là có nhiều cải cách quan trọng.

“Việt Nam đang đi đúng hướng”

Theo đánh giá của Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó cải cách trong hai lĩnh vực quan trọng là bảo vệ nhà đầu tư và tiếp cận tín dụng đã được ghi nhận.

Cụ thể, Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếp cận tín dụng bằng việc mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp. Bộ Luật Dân sự 2005 và Nghị định 163/2006 về Giao dịch Bảo đảm đã cho phép doanh nghiệp sử dụng động sản- hiện có và sẽ có trong tương lai, hữu hình và vô hình làm tài sản đảm bảo khoản vay bằng cách cho phép mô tả loại tài sản và nghĩa vụ trong hợp đồng thế chấp. Việt Nam cũng ban hành Luật Chứng khoán quy định rõ hoạt động của thị trường chứng khoán và trung tâm giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra Việt Nam còn tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc ban hành Luật Doanh nghiệp mới, trong đó quy định các hoạt động chính của công ty phải có sự tham gia của nhà đầu tư, đồng thời tăng cường yêu cầu công khai thông tin của công ty trong các giao dịch có các bên liên quan, và đưa ra quy định về trách nhiệm của giám đốc và thành viên hội đồng quản trị công ty trong việc bảo toàn lợi ích của cổ đông và doanh nghiệp.

Theo ông Sin Foong Wong, Giám đốc Quốc gia Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam đứng ở thứ hạng thấp (91/178) trong Bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh, nhưng điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng và đã phần nào thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực hiện đang có thứ hạng cao như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… “Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp khi vay vốn không chỉ được sử dụng những tài sản hữu hình là những bất động sản làm tài sản thế chấp mà còn có thể sử dụng động sản, thậm chí cả những tài sản vô hình, tài sản trong tương lai để làm thế chấp. Điều này giúp cho doanh nghiệp được tiếp cận rộng rãi hơn với tín dụng”, ông Sin Foong Wong nói. Cũng theo ông Sin Foong Wong, việc Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đã góp phần bảo vệ nhà đầu tư, kể cả những nhà đầu tư thiểu số.

Nhưng vẫn còn nhiều bất cập

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008, Việt Nam cần phải cải thiện một số lĩnh vực, trong đó có 3 lĩnh vực hiện còn xếp hạng thấp là bảo vệ nhà đầu tư, giải thể doanh nghiệp và đóng thuế.

Báo cáo chỉ rõ, Việt Nam nằm trong số những quốc gia bảo vệ nhà đầu tư kém trước sự lạm dụng tài sản doanh nghiệp của giám đốc hay thành viên hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, mặc dù Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp mới đã quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của giám đốc và thành viên hội đồng quản trị, nhưng chưa đưa ra cơ chế thực thi các nghĩa vụ này.

Việc giải thể doanh nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập. Theo báo cáo mới này, cơ chế hiện tại cho việc giải quyết các vụ phá sản tại Việt Nam thường khó khăn và mất thời gian. Ví dụ, một trường hợp phá sản tại Việt Nam có thể mất 5 năm mà doanh nghiệp chỉ thu hồi lại được 18% nợ. Vì thế, rất ít doanh nghiệp giải thể theo đúng những quy định và thủ tục chính thức.

Về đóng thuế, báo cáo cho biết các doanh nghiệp ở Việt Nam mất khá nhiều thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tính trung bình, doanh nghiệp mất 1.050 giờ, tương đương với 130 ngày làm việc để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Trong khi đó con số này ở Trung Quốc là 872 giờ, Indonesia là 266 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 195 giờ…

Có mặt trong buổi công bố báo cáo Môi trường Kinh doanh 2008, bà Phạm Chi Lan- Chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả xếp hạng lần này đã phản ánh đúng thực trạng của Việt Nam hơn báo cáo năm 2007. Lấy ví dụ trong lĩnh vực “cấp giấy phép xây dựng”, mặc dù năm nay Việt Nam bị đánh tụt hạng xuống thứ 63 so với thứ 25 năm ngoái nhưng theo bà: “Con số 63 trung thực hơn" vì “giấy phép con” vẫn được coi là “vấn nạn” khiến doanh nghiệp phàn nàn và Chính phủ cũng coi việc giải quyết vấn đề này là ưu tiên hàng đầu.

Cũng theo bà Chi Lan, thị trường lao động và vấn đề sa thải lao động của Việt Nam đang đứng ở trong nhóm có thứ hạng thấp cần tiếp tục được cải thiện. “Doanh nghiệp hiện nay không chỉ đau đầu trong việc tuyển dụng nguồn những lao động đáp ứng được yêu cầu mà còn khó khăn trong việc sa thải lao động. Điều này khiến doanh nghiệp và cả thị trường lao động mất đi độ linh hoạt”, bà Phạm Chi Lan phát biểu.

Thêm một vấn đề đáng lưu tâm là thương mại quốc tế. Bà Phạm Chi Lan dẫn chứng, Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu khi gia nhập WTO, nhưng chi phí để xuất khẩu 1 container ở Việt Nam lên tới 669USD, và mất thời gian là 24 ngày. Với con số này, Việt Nam không thể cạnh tranh được với Trung Quốc khi chi phí của họ chỉ bằng 1/2 và thời gian là 21 ngày.

Chỉ nên coi thứ hạng là một tham số

Có thể nói, Báo cáo Môi trường kinh doanh 2008 của WB và IFC đã đưa ra một bức tranh khá đầy đủ về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia trong nước thì vẫn có một số đánh giá chưa sát với thực tế Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, ông rất nghi ngờ những con số được đưa ra trong bản báo cá “Tôi đọc rất kỹ các báo cáo môi trường kinh doanh của mấy năm gần đây. Ba năm liền báo cáo đều cho rằng doanh nghiệp ở Việt Nam mất 1050 giờ để thực hiện các thủ tục đóng thuế”. Theo ông Cung, điều này không sát với thực tế.

Ông Nguyễn Đình Cung cũng phân tích những bất hợp lý trong đánh giá tiêu chí thành lập doanh nghiệp của Việt Nam mà báo cáo đưa ra: “Trong tiêu chí thành lập doanh nghiệp đưa ra 11 thủ tục với 50 ngày và tốn 20% thu nhập GDP đầu người. Đây là con số từ những năm 2000. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có 6 thủ tục bắt buộc nên không thể kéo dài 50 ngày như báo cáo nêu. Nếu tính đúng thì trong tiêu chí thành lập doanh nghiệp, Việt Nam đứng ở vị trí 30 chứ không phải là 97”, ông Cung nói.

Về vấn đề này, các chuyên gia của WB cho rằng, không nên quá chú ý vào vị trí xếp hạng cụ thể mà cần tập trung cho những cải cách mà mình đang tiến hành. “Chỉ nên coi đó là những thông số như của chiếc cặp nhiệt độ. Và nếu là bác sĩ giỏi thì chẳng ai dựa vào nhiệt độ để bắt bệnh mà phải xem cả những yếu tố khác nữa”. Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nói.

Bà Melissa Johns, thành viên nhóm thực hiện Báo cáo cũng nêu ý kiến, mặc dù đã có những cải cách nhưng Việt Nam mới chỉ giành được vị trí 91/178, trong khi Brunei lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách xếp hạng đã đứng thứ 78. Thái Lan - quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng giành được vị trí 15/178 nhờ những cải cách về xuất nhập khẩu (Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở Thái Lan có thể nộp đơn trực tuyến). Trong khi đó, những nước có thứ hạng cao vẫn tiếp tục cải cách mạnh mẽ. Và nói như ông Justin Yap- chuyên gia phát triển kinh tế tư nhân của WB, điều này cho thấy không ai được chủ quan và tự hài lòng với môi trường kinh doanh của mình, và “nếu không tiếp tục cải tiến sẽ bị bỏ lại phía sau”.

Theo VOV