09:09, 08/09/2007

Có thể lên tới 1,2 triệu đồng/tháng

Ngay sau khi có Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam...

Cần nguồn vốn lớn để phục vụ việc cho sinh viên vay. Ảnh minh họa

Ngay sau khi có Chỉ thị số 21/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ cho vay ưu đãi để học đại học, cao đẳng và dạy nghề, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) - ngân hàng được giao thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh - sinh viên đã triển khai những công việc rất chủ động.

Cần gấp 500 tỷ đồng trước mắt và hơn 4.000 tỷ trong năm 2007 - 2008

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4-9, đến ngày 6-9, tuy chưa nhận được văn bản qua con đường công văn chính thức nhưng NHCSXH đã chủ động triển khai các công việc của mình theo như yêu cầu của Thủ tướng.

Trong văn bản mới nhất báo cáo lên Văn phòng Chính phủ thì để đáp ứng ngay nhu cầu vay vốn phục vụ việc nhập học, NHCSXH ước tính sẽ cần ngay một khoản vốn 500 tỷ đồng. Số vốn này có tính chất cấp bách để đáp ứng nhu cầu vay của sinh viên nghèo, khó khăn thi đậu đại học.

Theo tính toán của các chuyên viên thuộc NHCSXH, mức vay hiện nay là 300 ngàn đồng/tháng/sinh viên mới chỉ đáp ứng đủ tiền nộp học phí. Trong khi đó, theo Chỉ thị của Thủ tướng thì tín dụng đối với học sinh, sinh viên; bảo đảm cho các sinh viên không phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như: ăn, ở, đi lại, tài liệu học tập.

Tính toán sơ bộ của NHCSXH cho thấy, theo thực tế hiện nay thì con số cho vay mỗi sinh viên phải lên đến 1,2 triệu đồng/sinh viên/tháng. Trong số tiền này bao gồm: 200 tiền nhà ở, 300 ngàn học phí, 450 ngàn tiền ăn và các chi phí sách vở, quần áo... phục vụ cho việc học tập.

Ngày 6-9, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Hà Đan Huân đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng Chính phủ về việc Đề nghị bổ sung chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho năm 2007 nhằm phục vụ cho vay sinh viên theo Chỉ thị của Thủ tướng. Theo đó, ước tính số sinh viên mới đậu đại học năm nay thuộc diện khó khăn có nhu cầu vay vốn khoảng 20% tổng số sinh viên thi đậu đại học, tức khoảng 287 ngàn sinh viên, vay 1,2 triệu tháng và 10 tháng cho cả năm học thì con số là 3.444 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nếu mức cho vay nâng lên 1,2 triệu đồng/tháng như dự kiến thì có hơn 99,5 ngàn sinh viên đang thực hiện hợp đồng vay tại NHCSXH với mức 300 ngàn đồng/tháng cũng sẽ được nâng mức vay thêm 900 ngàn nữa. Cụ thể, 99,5 ngàn sinh viên vay bổ sung thêm 900 ngàn đồng/tháng và cho cả 10 tháng trong năm học thì cần bổ sung thêm 810 tỷ đồng.

Như vậy, để đáp ứng theo nhu cầu vay thực tế của sinh viên và thực hiện đúng tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì tổng cộng, trong năm học 2007-2008, nguồn vốn đáp ứng cho sinh viên khó khăn có nhu cầu vay vốn lên đến 4.254 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ và thời gian để thực hiện đang rất gấp rút, NHCSXH đang vào cuộc sớm và hy vọng các bộ ngành khác cùng đẩy nhanh tốc độ thực hiện vì năm học mới đã khai giảng.

Lo nhất vẫn là nguồn vốn

Việc cho vay đối với học sinh và sinh viên nghèo đã bắt đầu triển khai từ năm 1999. Nguồn vốn ban đầu của chương trình là 160 tỷ đồng, bao gồm 30 tỷ đồng từ ngân sách và 130 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Nhà nước, do Ngân hàng Công thương thực hiện. Đến cuối năm 2003, việc cho vay tín dụng ưu đãi sinh viên chuyển về NHCSXH quản lý. Số dư nợ đến thời điểm chuyển giao khoảng 76 tỷ đồng.

SV vay vốn phải có ý thức trả nợ

Một trong những vấn đề mà NHCSXH đang gặp khó khăn là việc thu hồi nợ của các sinh viên vay tiền theo cơ chế cho vay trực tiếp trước đây. Nhiều sinh viên ra trường đã không có ý thức trả nợ. Nhà trường không còn quản lý, các mối liên lạc với sinh viên rất ít vì hầu hết đã đi làm và thay đổi địa chỉ liên tục, việc đòi nợ rất khó khăn.

NHCSXH đã liên hệ đến tận gia đình theo địa chỉ mà sinh viên cung cấp lúc vay vốn nhưng rất nhiều địa chỉ đã thay đổi không có người nhận, có địa chỉ có gia đình nhận nhưng họ từ chối trách nhiệm vì việc cho vay là trực tiếp với sinh viên, gia đình không bị ràng buộc. Chỉ có 30% trong số thư gửi đi của ngân hàng là có hồi âm và chỉ rất ít trong số này có trách nhiệm trả nợ.

Những sinh viên vay tiền học tập phải có ý thức trả nợ đúng cam kết. Việc trả nợ không chỉ là nghĩa vụ của người đi vay mà còn thể hiện trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn để những sinh viên lớp sau tiếp tục được vay vốn học tập.

Ngay sau khi nhận thực hiện chương trình, NHCSXH đối mặt với tình trạng tỷ lệ nợ quá hạn của việc cho học sinh - sinh viên vay rất cao, lên đến 13%. Nguyên nhân của tình trạng này là do chương trình thực hiện cơ chế cho vay trực tiếp đến sinh viên. Nhưng sau khi ra trường, rất nhiều sinh viên không thực hiện trả nợ.

Khắc phục tình trạng này, NHCSXH đã triển khai mô hình cho sinh viên vay thông qua hộ gia đình. Với cách làm này, sinh viên muốn vay tiền sẽ thực hiện thông qua gia đình với sự xác nhận của địa phương. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho sinh viên, NHCSXH nhận chuyển tiền miễn phí từ gia đình đến điểm giao dịch của ngân hàng gần nhất cho sinh viên.

Đồng thời, ngân hàng đã đề xuất và được Bộ Tài chính và Chính phủ đồng ý cho nâng mức vay từ 200 - 300 ngàn đồng/tháng. Cơ chế mới không chỉ an toàn cho nguồn vốn ngân hàng quản lý mà người dân rất ủng hộ. Nhờ đó, việc cho vay vốn đã được đẩy nhanh và an toàn hơn.

Tuy nhiên, khó khăn mới đã xuất hiện là đến cuối năm 2005, toàn bộ nguồn vốn 160 tỷ đồng ban đầu đã cho vay hết, trong khi nhu cầu vay vốn của học sinh - sinh viên vẫn cao, NHCSXH buộc phải tạm thời cân đối 40 tỷ đồng từ các nguồn khác để cho vay. Tính đến cuối tháng 7-2007, dư nợ cho vay của tín dụng ưu đãi học sinh - sinh viên đã lên đến 290 tỷ đồng với tổng số 99,5 ngàn sinh viên còn dư nợ.

Con số trên đây một mặt nói lên hiệu quả của cơ chế cho vay mới mà NHCSXH thực hiện nhưng cũng phản ánh một khó khăn đó là thiếu hụt nguồn vốn cho vay. Được biết, sau khi nguồn vốn ban đầu đã cho vay hết, thì hầu hết các nguồn vốn cho vay đều phải cân đối tạm thời từ các chương trình khác trong khi nguồn cho tín dụng ưu đãi học sinh - sinh viên chưa được bổ sung mới. Vì vậy, với những con số tính toán cho năm học 2007 - 2008 theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng thì nỗi lo lớn nhất của những người thực hiện là nguồn vốn.

Trong khi đó, theo NHCSXH, việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của ngân hàng đã có một quy trình khá hoàn thiện ban hành từ tháng 9-2006 với rất nhiều điểm cải cách thủ tục thuận lợi cho sinh viên. Các hướng dẫn này sẽ không có thay đổi nhiều. Hiện nay, sinh viên có giấy báo nhập học, có xác nhận địa phương là có thể vay tiền phục vụ việc học tập. Lo lắng còn lại vẫn là đáp ứng nguồn vốn kịp thời để triển khai.

Theo  VietNamNet