Với hàng loạt dự án đang triển khai, cùng với khối lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc đóng tàu lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2015...
Tàu HL01- Florence- con tàu lớn nhất được đóng tại VN, có trọng tải 53.000 DWT, hạ thuỷ ngày 6-4, tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long- Quảng Ninh. Ảnh minh họa |
Với hàng loạt dự án đang triển khai, cùng với khối lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc đóng tàu lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đang dần trở thành hiện thực.
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Vinashin cho biết, chưa bao giờ triển vọng của ngành đóng tàu của Việt Nam lại sáng sủa như hiện nay. Ngày 19-6-2007, khi hai con tàu 53.000 tấn đầu tiên của Vinashin được bàn giao cho Tập đoàn Graig Investment của Vương quốc Anh, nhiều người đã nói “tấm hộ chiếu” đưa Việt Nam ra thị trường đóng tàu thế giới đã bắt đầu.
Ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam khiến cả thế giới biết đến khi liên tục nhận được những hợp đồng lớn, với hàng loạt dự án đầy tiềm năng đang triển khai. Đến nay Vinashin đã nhận được các đơn đặt hàng trị giá khoảng 6 tỷ USD, trong đó trên 4 tỷ USD là từ các đơn hàng xuất khẩu. Phần lớn đơn đặt hàng kéo dài đến 2010 và lâu nhất là đến 2012.
Tháng 10-2005, Vinashin được vay 750 triệu USD vốn trái phiếu của Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế, và đến nay đã phát huy hiệu quả rất tốt. Mới đây, Vinashin đã phát hành thành công đợt trái phiếu lên tới 3.000 tỷ đồng.
Tháng 7-2007, Vinashin lại được Ngân hàng Thụy Sỹ cho vay 600 triệu USD. Số tiền này sẽ được Vinashin cho các đơn vị thành viên vay lại để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư các dự án lớn như dự án đóng tàu hơn 105.000 tấn tại Dung Quất, kho nổi 150.000 tấn tại Nam Triệu, tàu chở ôtô tại Hạ Long, tàu chở hàng 53.000 tấn cho chủ tàu Graig (Anh quốc), cùng các tàu nhiều loại trọng tải cho chủ tàu Nhật Bản.
Để thực hiện mục tiêu thành “cường quốc”, trước hết, Vinashin đã thiết lập được các trung tâm đóng tàu lớn ở cả 3 miền: miền Bắc là ở Hải Phòng, Quảng Ninh gồm các nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Bạch Đằng, và sắp tới là Hải Hà; miền Trung có nhà máy đóng tàu Dung Quất; miền Nam có nhà máy ở Hậu Giang.
Với hàng loạt dự án lớn được đầu tư theo hướng khép kín, Vinashin phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hoá trên 60% vào năm 2010.
Theo VOV