05:09, 29/09/2007

Bí quyết làm giàu của một chủ trang trại trẻ

Tình cờ anh Hồ Văn Tây, 39 tuổi, một chủ trang trại ở Diên Xuân (Diên Khánh, Khánh Hòa) học được nghề nuôi trùn quế từ một người bạn Việt kiều ở Úc. Và nghề nuôi trùn quế...

Nuôi trùn là bí quyết làm giàu của anh Tây.

Tình cờ anh Hồ Văn Tây, 39 tuổi, một chủ trang trại ở Diên Xuân (Diên Khánh, Khánh Hòa) học được nghề nuôi trùn quế từ một người bạn Việt kiều ở Úc. Và nghề nuôi trùn quế đã giúp anh làm giàu sau bao lần thất bại trong kinh doanh.

Anh Tây đưa tôi đi xem trang trại nuôi trùn quế của anh trên một ngọn đồi nhỏ, bạt ngàn mía và cỏ voi thuộc thôn Xuân Nam, xã Diên Xuân. Hàng dãy nhà lá nối tiếp nhau chạy dài như một nhà máy lớn. Bên trong từng căn nhà, các ô nuôi trùn xếp bằng gạch, nối tiếp nhau dày đặc một màu đen toàn phân và phân. Một công nhân đang tưới giữ ẩm cho các ô nuôi trùn. Anh Tây chỉ vào một ô nuôi, hồ hởi: “Nuôi trùn rất thú vị, phân bò đưa vào đây chỉ trong 10 - 15 ngày, con trùn đã biến phân sống thành phân vi sinh, bón rất tốt cho cây trồng. Con trùn quả là một nhà máy chế biến tuyệt vời…”.

Được biết, phân trùn là chất dinh dưỡng tuyệt vời đối với cây trồng. Phân chuồng sau khi qua “công đoạn” xử lý của trùn đã trở thành thức ăn bổ dưỡng, rất dễ hấp thụ đối với cây trồng. Chính vì vậy, trang trại của anh bán rất chạy loại phân này. Hiện nay, nguồn thu nhập chính từ trang trại là bán phân trùn. Mỗi tháng trang trại có thể sản xuất từ 15 - 20 tấn phân trùn. Với giá bán hiện tại 2.000đ/kg, anh Tây thu về một nguồn lợi không nhỏ. Anh Tây cho biết, thị trường tiêu thụ phân trùn rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, hiện nay trang trại không đủ sức cung cấp cho thị trường. Phân trùn có thể bón cho rất nhiều loại cây trồng: từ cây lương thực (lúa, màu), cây ăn quả (thanh long, cam, bưởi…), cây công nghiệp (cà phê, chè, tiêu, cao su…), đến cả cây cảnh; đây cũng là loại phân cao cấp không sợ bị lạm dụng. Dân trồng laghim ở Đà lạt (Lâm Đồng) rất thích tìm mua loại phân này. Để phát triển thị trường, anh Tây mua thiết bị chế biến phân, in bao bì (25kg) và lập nhà kho để chứa phân. 

Nuôi trùn quế rất đơn giản, sau khi đem phân bò về, lượm rác, sỏi đá, tạp chất; dùng thuốc xử lý vi khuẩn, mầm bệnh; đưa vào ô nuôi, tưới giữ ẩm và chờ ngày “ra” thành phẩm. Sản phẩm bao gồm: trùn quế (sinh khối) và phân vi sinh. Cả 2 đều có thể bán. Giá trùn quế sinh khối hiện tại 9.000đ/kg, là thức ăn cao cấp của các loài tôm, cá, ba ba, heo, gà… Tuy nhiên, hiện nay việc bán sinh khối gặp khó khăn về đầu ra nên trang trại chủ yếu bán phân vi sinh và sinh khối cho các hộ có nhu cầu. Để có thức ăn cho trùn, mỗi tháng anh Tây mua khoảng 20m3 phân chuồng, chủ yếu là phân bò ở các nơi về với giá từ 40 - 50 ngàn đồng/m3. Anh cho biết, tiền lãi nuôi trùn quế từ đầu năm đến nay đã lên tới 150 triệu đồng. Có thể nói, trùn quế là đối tượng nuôi kinh tế xếp đầu bảng, vượt xa các đối tượng nuôi khác trong nông nghiệp. Đến nay, anh Tây đã xây dựng được 10 trại nuôi, mỗi trại có diện tích 100m2. Lượng sinh khối lên tới vài chục tấn. Để duy trì sản xuất, anh thuê 12 người giúp việc để nuôi trùn, trồng cỏ voi (1 ha) và chăm sóc đàn bò (70 con), thu nhập mỗi lao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng.

Được biết, ở nước ngoài, nghề nuôi trùn quế rất phát triển và con trùn được chế biến thành nhiều sản phẩm cao cấp như: trà trùn, biscuis trùn và phân trùn cũng là phân vi sinh cao cấp. Anh Tây cho biết, tổng vốn đầu tư vào trại trùn quế đến nay đã lên đến 500 triệu đồng nhưng anh rất tin tưởng vào tương lai của nghề này. Hiện tại, nhiều đơn vị trong đó có Công ty Cao su Việt Lào (Gia Lai) đang đặt vấn đề mua phân vi sinh của anh với số lượng lớn nhưng do khả năng còn yếu nên anh chưa dám nhận đơn đặt hàng vì sợ đáp ứng không đủ. Anh dự định sẽ mở rộng trại trùn lên 5.000m2 để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

HOÀI AN