Xưa nay, nghề nuôi heo phổ biến ở khắp nơi nhưng chuyện nuôi heo rừng thì ít ai nghĩ đến. Thế nhưng, do nhu cầu ẩm thực của xã hội nên chuyện nuôi heo rừng...
Nuôi heo rừng, một mô hình chăn nuôi mới có nhiều triển vọng. |
Xưa nay, nghề nuôi heo phổ biến ở khắp nơi nhưng chuyện nuôi heo rừng thì ít ai nghĩ đến. Thế nhưng, do nhu cầu ẩm thực của xã hội nên chuyện nuôi heo rừng nay đã thành hiện thực. Các thành viên của Công ty Cổ phần Cựu chiến binh (CPCCB) 394 (nguyên là Lữ đoàn 394) bước đầu đã nuôi thử nghiệm thành công giống heo này.
Chúng tôi tìm đến xã Ninh Tây, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), nơi có trang trại chăn nuôi của Công ty CPCCB 394. Trang trại nằm cheo leo bên sườn núi, nuôi, trồng nhiều loại cây, con. Anh Ngô Tấn Phong (thành viên của Công ty) dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực chăn nuôi heo rừng. Nơi các chú heo rừng sinh sống chỉ có một cái lán rộng chừng 30m2, còn lại là một khu rừng tự nhiên với diện tích khoảng 5 - 7 ha, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào lưới B40. Anh Phong nói: “Nếu chị ra sớm hơn vài giờ đồng hồ sẽ gặp được cả đàn heo, chúng vừa ăn về và đi vào rừng. Giờ chỉ vài chục con nằm dưới lùm cây. Lại gần phải cẩn thận, chúng nó dữ lắm”. Anh Phong vừa dứt lời, từ trong lùm cây mấy chục con heo nhớn nhác chạy tới chạy lui, con nào cũng gầm gừ trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”. Chúng có hình dáng nhỏ gọn, mình dài, mõm dài và nhọn, tai nhỏ, thân suông, lông thưa dài có màu nâu sậm, chân nhỏ, nhanh nhẹn. Thấy chúng tôi, các chú heo hoảng sợ, lông dựng đứng lên, trông rất dữ tợn. Đi bên cạnh đàn heo đã trưởng thành là mấy con heo mới sinh, với bộ lông 2 màu nâu đen xen lẫn.
Anh Thái Hữu Hải - Giám đốc Công ty CPCCB 394 cho biết, heo rừng có thể đưa vào chuồng nuôi nhốt như những dòng heo thuần nhưng điều kiện sống tốt nhất để heo rừng sinh trưởng là môi trường thiên nhiên. Heo vốn là một loài ăn tạp nhưng heo rừng còn ăn tạp hơn. Hàng ngày, nó tự lùng sục thức ăn, gặp gì cũng ăn. Chúng đào bới tìm ăn những con giun con dế, các loại củ, rễ cây, cỏ, các loại quả rừng… Tuy nhiên, trong khuôn viên của trang trại, thức ăn tự nhiên ngày càng khan hiếm. Vì vậy, ngoài thức ăn heo tự kiếm được, các thành viên 394 còn cho ăn thêm thức ăn sống như: khoai lang, khoai mì, cám, bắp, cỏ voi, cây chuối, đu đủ… Các thành viên trang trại đã tập cho chúng ăn đúng giờ, theo phản xạ tự nhiên, mỗi ngày cho ăn 2 lần, 8 giờ và 16 giờ. Vì đã được tập luyện nên đến giờ cho ăn, chỉ cần đánh kẻng, chúng đã tập trung đầy đủ. Do vậy, chăm sóc heo rừng tốn rất ít thời gian. Heo rừng có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh tật. Có khi bỏ đói vài ba ngày, chúng vẫn sống bình thường. So với những loại heo nuôi truyền thống, heo rừng chậm lớn hơn. Mỗi tháng tăng trọng chừng 3 - 5kg.
Khi được hỏi về các thành viên làm việc tại trang trại, anh Hải cho biết, anh em đều là bộ đội xuất ngũ thuộc Lữ đoàn 394, Binh đoàn 11. Nhiều người sau khi xuất ngũ kinh tế gia đình khó khăn, không có việc làm… Năm 2005, anh Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công TNHH Tân Huy (Ninh Hòa) (thành viên Hội CCB 394) thấy đồng đội khó khăn nên đã giúp vốn (không lấy lãi) làm trang trại, tập trung các anh em trong đơn vị 394 lại cùng làm. Ban đầu, trang trại chỉ nuôi bò, dê, trồng hoa màu và các loại cây ăn quả, keo lai, bạch đàn… Sau đó, tình cờ một lần anh Hải xem trên tivi thấy giới thiệu mô hình nuôi heo rừng của trang trại ông Châu Xuân Vũ (còn gọi là Ba Vũ, Vĩnh Long) có hiệu quả nên anh quyết định tìm hiểu. Năm 2006, anh cử người vào Vĩnh Long tìm hiểu về mô hình nuôi heo rừng. Được ông Ba Vũ tư vấn, thấy nuôi cũng đơn giản nên anh đã mua 16 con về nuôi thử nghiệm tại trang trại, trong đó có 14 con cái, 4 con đực, giá 160.000 đồng/kg heo cái và 200.000đồng/kg heo đực. Lúc đầu nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên heo phát triển không được tốt. Sau đó, Công ty đã cử anh Võ Sinh (thành viên 394) đi học lớp thú y tại trường Dạy nghề Ninh Hòa. Nhờ biết cách chăm sóc và nhờ môi trường, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên heo phát triển rất tốt. Từ 16 con lúc ban đầu, đến nay đã hơn 120 con. Hiện lứa heo đầu tiên có trọng lượng từ 20 - 25kg/con. Ngoài 120 con heo lứa và heo con, trang trại còn có 3 heo đực và 22 heo sinh sản. Mỗi năm sinh 2 lứa, mỗi lứa một con sinh được 6 - 7 heo con.
Nói về đầu ra cho sản phẩm, anh Hải cho biết: “Hiện chúng tôi chưa có ý định bán mà tiếp tục nhân đàn. Hiện nay trên thị trường, thịt heo rừng đang rất được ưa chuộng, giá cả khá cao nên không đáng lo. Thịt heo rừng có giá trên 100.000 đồng/kg, còn heo giống có giá khoảng 150.000 đồng/kg”.
KHÁNH HÀ