Cá lóc là loài có tập tính ưa nước sâu, thích yên tĩnh, chịu được sốc do bất lợi của thời tiết, môi trường. Từ lâu, cá lóc được nuôi trong ao đất...
Nuôi cá lóc đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho anh Trừ. |
Cá lóc là loài có tập tính ưa nước sâu, thích yên tĩnh, chịu được sốc do bất lợi của thời tiết, môi trường. Từ lâu, cá lóc được nuôi trong ao đất. Việc đưa cá lóc vào nuôi trong bể xi măng,bạt nhựa là bước đi thử nghiệm đáng khích lệ cho vùng ngoại thành khi diện tích đất ngày càng bị thu hẹp do tiến trình đô thị hóa. Anh Phạm Trừ (Phước Thái 1, Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa) là một trong những người đầu tiên thử nghiệm mô hình này và đã thành công bước đầu…
Nhà anh Trừ ở trong một con hẻm nhỏ cạnh Hội trường 3-2 phường Phước Long (Nha Trang, Khánh Hòa). Tiếp tôi bên chén trà nóng, anh vui vẻ kể: “Tôi cũng là công chức, trước đây công tác ở ngành Nông nghiệp thành phố. Do sức khỏe yếu về nghỉ đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, “máu” nghề nghiệp vẫn còn nên tôi thích trồng cây, nuôi cá. Nghe cá lóc có thể nuôi trong bể xi măng, tôi liền tham quan mô hình này của một hộ nông dân ở phường Cam Thuận (Cam Ranh, Khánh Hòa). Và…”.
Những ngày đầu thử nghiệm mô hình đối với anh Trừ quả là khó khăn. Anh bỏ vốn ra xây mấy bể nuôi nhưng kết quả lại không như mong đợi. Cá con ương chết rất nhiều, cá lóc có tật hay nhảy nên va đập vào thành hồ cứng làm xây xát chảy máu, thậm chí có con còn vỡ cả đầu. Xót của, anh Trừ nghĩ đến dùng bạt nhựa. Anh chuyển chúng vào bạt, căng dây thép, hạn chế dùng cây chống, kết quả khả quan hơn. Cá có nhảy cũng không sao, hiện tượng xây xước giảm hẳn. Anh đưa ra bí quyết: Mức nước trong bạt chỉ cần 30cm để hạn chế cá nhảy, ít hao nước lại dễ thay nước.
Nuôi cá lóc khá vất vả, theo dõi, chăm sóc chúng suốt cả ngày, nhất là lúc cá còn bé. Sáng ngủ dậy đã lo thay nước, lấy cá tạp về cho cá ăn, ngày cho ăn 2 lần, sáng chiều, theo dõi cá ăn mồi, cá bơi để phát hiện bệnh… Bao nhiêu công việc đó, anh Trừ đều nhờ vào người con trai và con rể. Anh cho biết, từ ngày nuôi cá giống còn rất nhỏ, dân nuôi cá gọi là lồng 7, lồng 8 (chiều dài thân 7 - 8mm) lúc này lượng hao hụt rất lớn (có thể lên đến 50%). Nếu nuôi tốt từ giai đoạn cá giống đến khi xuất bán (trọng lượng 4 - 7 lạng) tỷ lệ sống đạt 40 - 50% là thành công. Cá giống được các đầu nậu ở Nha Trang lấy về từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang… Số lượng ít có thể lấy ở Mả Vòng, chợ Xóm Mới (Nha Trang), số lượng nhiều thương lái giao trực tiếp, chỉ cần nhấc máy điện thoại lên là có. Cá giống thường có giá dao động từ 600 - 800 đ/con (tùy thời điểm). Cá mới đem về cần “vèo” lại trong bể xi măng để theo dõi, tạt ít nước muối cho cá khỏe, sau đó tập cho cá ăn bằng cá tạp. Cá lóc nuôi trong bạt thường gặp các bệnh như: nấm, xuất huyết da, lở mang và bị lãi. Việc điều trị cũng đơn giản, dùng nước muối tắm hay sử dụng các chế phẩm vi sinh, hạn chế dùng kháng sinh và thường xuyên xổ lãi cho cá. Các chế phẩm này có bán tại các cửa hàng trên đường Cao Bá Quát (Nha Trang, Khánh Hòa). Từ khi đưa cá giống về nuôi cho đến khi đạt trọng lượng thương phẩm, cá lóc hoàn toàn sử dụng cá tạp là các loại cá nhỏ như: cá cơm, liệt, giò, hố…, giá từ 3.500 - 4.500đ/kg (tùy theo thời điểm). Những khi trời động, giá có thể lên đến 5.000đ, thậm chí không có cá để mua. Với hàng chục ngàn con cá thịt như hiện nay, mỗi ngày anh Trừ tốn gần 2 tạ cá tạp, khoảng 500.000đ!
Khởi động nuôi cá từ tháng 6-2006, đến nay, anh Trừ đã nuôi được 4 đợt. Hai đợt đầu số lượng ít, mỗi lứa chỉ khoảng 2.000 - 2.500 con, lãi ít. Năm nay, anh mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn, mỗi đợt 14 - 15 ngàn con. Lứa nuôi vào tháng Giêng âm lịch, sau 5 tháng, đến nay cá đã đạt trọng lượng thương phẩm cỡ 0,4 - 0,7kg/con, anh đang chuẩn bị xuất bán. Với giá hiện nay 28.000đ/kg, doanh thu có thể lên đến vài trăm triệu đồng, trừ chi phí lãi còn khoảng vài chục triệu đồng.
Thành công của anh Trừ được nhiều người biết đến. Anh đã hướng dẫn cách nuôi cá cho nhiều người ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh, Khánh Hòa…
Q.V