Việc nghiên cứu thành công quy trình nuôi thương phẩm cá chình bông của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã mở ra triển vọng về một nghề nuôi còn khá mới mẻ...
Th.S Chu Văn Công kiểm tra cá chình bông đang được nuôi tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. |
Việc nghiên cứu thành công quy trình nuôi thương phẩm cá chình bông của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã mở ra triển vọng về một nghề nuôi còn khá mới mẻ với người dân.
° Giá trị kinh tế cao
Việt Nam có 5 loài cá chình, phổ biến là chình bông (Anguillia marmorata) và chình mun (Anguilla bicolor pacifica). Trong đó, chình bông là loài có giá trị cao nhất. Cũng như các loài chình khác trong giống Anguilla, cá chình bông có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, giá bán cao trên thị trường. Giá thương phẩm cá chình bông tính theo kích cỡ: Loại 0,5 đến 1kg/con có giá từ 300 - 320 ngàn đồng/kg; loại 1 đến 2 kg/con từ 360 - 380 ngàn đồng/kg; cá chình giống loại 20 - 30 con/kg từ 480 - 500 ngàn đồng/kg.
Cá chình bông có kích thước lớn nhất trong các loài của giống Anguilla, chiều dài của chúng có thể đạt 200cm và nặng 27kg/con. Chính vì vậy, người ta gọi chúng là loài cá chình khổng lồ. Cá chình bông ưa sống ở sông suối, nơi có dòng chảy nhẹ và nguồn nước trong sạch.
Chình bông phân bố chủ yếu tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Nguồn lợi cá chình ở các tỉnh này rất lớn, thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá chình với quy mô thương phẩm. Để phát triển nghề nuôi cá chình, đưa nó trở thành đối tượng nuôi nước ngọt quan trọng cho người dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, qua đó giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chình (Anguilla) tại miền Trung Việt Nam”. Đề tài do Thạc sĩ (Th.S) Chu Văn Công (Phòng Sinh học thực nghiệm) làm chủ nhiệm.
° Khó khăn về con giống
Sau một thời gian nghiên cứu, Th.S Chu Văn Công và các đồng sự đã xây dựng được quy trình nuôi thương phẩm cá chình bông, áp dụng cho 3 loại hình nuôi trong ao đất, bể xi măng và lồng. Cụ thể: Trong ao đất, nuôi với mật độ 1-2 con/m2; thời gian nuôi từ 12 - 24 tháng; khi thu hoạch, mỗi con đạt từ 1kg trở lên, năng suất khoảng 4 - 5 tấn/ha. Nuôi bể xi măng, mật độ từ 30 - 50 con/m2 trong điều kiện có sục khí, nước chảy thường xuyên đảm bảo lượng oxy 5mg/l trở lên; mực nước từ 0,8 - 1m; diện tích bể từ 10 - 100m2; độ sâu bể khoảng 1,2m; có nơi trú ẩn cho cá nghỉ ngơi; ngày cho ăn 2 lần, lượng thức ăn bằng khoảng 5 - 7% trọng lượng cơ thể cá. Nuôi bể xi măng phải hút bỏ thức ăn thừa hàng ngày và cọ rửa bể hàng tuần. Nuôi lồng với mật độ từ 50 - 100 con/m2… Thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ, ốc, tôm, tép tươi, trai, ếch, nhái. Các loài này được cắt nhỏ để cho ăn.
Theo Th.S Chu Văn Công, khó khăn lớn nhất để phát triển nghề nuôi cá chình bông hiện nay là nguồn giống. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá chình bông. Nguồn giống hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác ngoài tự nhiên bằng một số hình thức như: lồng bẫy, chích điện, câu, đánh hóa chất. Chích điện, câu và đánh hóa chất làm tổn thương cá nên chất lượng con giống kém, hay bị bệnh, hao hụt nhiều. Theo ngư dân, cá bị chích điện, câu và cá đánh hóa chất khi mua về không phân biệt được cá nào tốt, xấu. Chỉ sau 1 tháng nuôi cá bị chết nhiều mới đánh giá được chất lượng con giống. Đối với cá bị chích điện, cơ thể cá teo dần, đầu to, đuôi bé, cá gầy yếu bỏ ăn và chết dần. Đối với cá bị câu, những con nào mắc câu ở môi, cá có thể tự gỡ ra được, con nào bị lưỡi câu vào dạ dày thì sau 1 tháng cá sẽ chết.
Để nâng cao chất lượng con giống, Th.S Chu Văn Công và các đồng sự tiếp tục “nghiên cứu công nghệ và xây dựng mô hình ương cá chình bông lên giống theo phương thức công nghiệp”. Đề tài đã được Bộ Thủy sản phê duyệt trong thời gian 2 năm (2007 - 2009). Theo Th.S Chu Văn Công, đề tài sẽ nghiên cứu sâu về lĩnh vực vớt con giống cỡ 4 - 6cm rồi ương lên 10 - 15cm. Ông và các cộng sự đang thử nghiệm vớt con giống bằng đáy cố định, bẫy và ánh sáng; thử nghiệm các loại mật độ và thức ăn phù hợp cho cá chình con. Điều này sẽ đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn giống cá chình tự nhiên phục vụ cho việc phát triển nghề nuôi cá chình thương phẩm.
KHÁNH NINH