Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có chủ trương cải cách và hai Bộ Tài chính và Công thương đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xem xét lại lộ trình điều chỉnh giá điện...
"Giá điện tăng hay giảm cần phải tính toán kỹ nhằm đảm bảo cân đối với các vấn đề kinh tế xã hội", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trong buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sáng 21-9, khi đơn vị này một lần nữa đề cập đến việc tăng giá điện.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã có chủ trương cải cách và hai Bộ Tài chính và Công thương đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xem xét lại lộ trình điều chỉnh giá điện. Thời điểm nào, mức tăng ra sao sẽ được nghiên cứu kỹ đảm bảo đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế và đời sống xã hội.
Tại buổi làm việc, EVN tiếp tục kêu thiếu vốn đầu tư và giá bán điện chưa đủ cạnh tranh... Theo Tổng Giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh, 9 tháng đầu năm, EVN đã gặp một số sự cố ngoài dự kiến trong việc vận hành những nhà máy điện mới.
Nguồn khí cung cấp cho sản xuất điện trong 3 tháng 7, 8 và 9 cũng không ổn định do BP ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn cho các tổ máy phát điện cụm Phú Mỹ. Điều này khiến cho việc cung ứng điện của EVN luôn đặt trong tình trạng căng thẳng. EVN đã phải huy động các nguồn điện chạy từ dầu và mua bên ngoài, khiến cho tập đoàn tổn thất khoảng 4.000 tỷ đồng.
Từ 0 giờ ngày 1-1-2007, cả nước bắt đầu áp dụng giá điện mới, tăng 7,6% so với mức cũ. Đối với, 100 kWh đầu tiên vẫn giữ nguyên mức cũ 550 đồng/kWh. Từ 101-150 kWh tiếp theo áp dụng mức tăng bậc thang 23%, từ 151- 200 kWh mức tăng 21%; tăng 19% đối với bậc thang 201-300 kWh; tăng 23% đối với bậc thang 301-400 kWh và tăng 27% đối với bậc thang 400 kWh trở lên.
Theo lộ trình điều chỉnh giá điện giai đoạn 2006-2010, giá điện bình quân tăng lên 890 đồng/kWh, năm 2010 sẽ áp dụng cơ chế điều chỉnh theo biến động của giá phát điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh.
Ông Thanh cho biết, EVN đang triển khai 18 dự án nhà máy điện lớn để lần lượt đưa vào vận hành từ nay đến năm 2010. Tuy nhiên, hầu các dự án này đều có nguy cơ chậm từ 3-6 tháng so với kế hoạch do những thay đổi về địa chất, thời tiết, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Chưa kể, một loạt các công trình dự án lớn khó có khả năng hoàn thành đúng hạn.
Để đáp ứng đủ điện, EVN cũng đang tính toán các khoản đầu tư cho những công trình lớn. Tuy nhiên, cái khó ở đây là việc thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó khăn do giá bán điện chưa hấp dẫn.
Trước đó, EVN trình đề án thành lập công ty cổ phần mua bán điện với hy vọng sẽ góp phần làm minh bạch hóa các chi phí sản xuất điện. Tuy nhiên, đề án này đã vấp phải sự phản đối của tất cả bộ ngành và mới đây Chính phủ cũng có công văn trả lời chính thức không cho phép thành lập.
Theo VietNamNet