Cam Lâm là huyện mới được thành lập. Huyện có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng vực dậy những tiềm năng này không phải một sớm một chiều. Để đạt được mục tiêu...
Cam Lâm sẽ quy hoạch khoảng 300 ha khu vực đầm Thủy Triều để phát triển du lịch vệ tinh cho Bắc bán đảo Cam Ranh. |
Cam Lâm là huyện mới được thành lập. Huyện có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng vực dậy những tiềm năng này không phải một sớm một chiều. Để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chính quyền huyện Cam Lâm đang xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp, nhưng để Cam Lâm “cất cánh”, mảnh đất tiềm năng này rất cần sự đầu tư của tỉnh Khánh Hòa trên nhiều lĩnh vực.
° MỘT ĐỊNH HƯỚNG LỚN
Cam Lâm là một trong những địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có điều kiện và lợi thế để phát triển kinh tế đa ngành. Khi chưa thành lập, khu vực Cam Lâm được tỉnh định hình để xây dựng và phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bởi đây có hệ thống đường giao thông quốc gia, biển, đồng bằng và trung du miền núi. Với lợi thế trên, địa phương có đầy đủ tiềm năng để phát triển các lĩnh vực kinh tế mà tỉnh đang tập trung xây dựng.
Tại thời điểm này, Cam Lâm đang hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đến 2020 để tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Cơ cấu kinh tế địa phương được xác định theo hướng: công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Từ định hướng trên, Cam Lâm đã và đang từng bước hình thành các khu vực kinh tế theo đặc thù, các khu vực có sự giao thoa, liên kết với nhau. Việc phát triển các làng nghề, các khu vực sản xuất công nghiệp chế biến, đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao đều có sự liên quan mật thiết với phát triển kinh tế biển. Bên cạnh các khu công nghiệp, du lịch lớn của tỉnh đã và đang triển khai trên địa bàn, huyện đang chú trọng tìm kiếm những mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương. Ngoài lợi thế là những năm qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư hoạt động có hiệu quả trên địa bàn trong một số lĩnh vực như: chế biến hạt điều, xoài; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thêu ren, may gia công… địa phương đang chú trọng đến việc phát triển một số điểm du lịch vệ tinh góp phần làm phong phú hơn cho Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Đặc biệt, du lịch sinh thái dựa vào lợi thế biển, kết hợp với các vườn cây ăn trái, trang trại và địa hình miền núi đang được huyện nghiên cứu. Theo ông Lê Hoàng Phước - Trưởng phòng Kinh tế huyện Cam Lâm: Địa phương đã xác định cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Vì thế, huyện đang chú trọng thu hút đầu tư vào nhiều lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao; phấn đấu đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm hơn 75%, thương mại, dịch vụ chiếm 15% và nông nghiệp chỉ còn khoảng 9%. Để làm được điều này, huyện đang xây dựng nhiều chương trình kinh tế lớn như: kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế. Các sản phẩm chất lượng cao, mang tính cạnh tranh được chú trọng.
° CẦN ĐẦU TƯ XỨNG TẦM
Định hướng phát triển KT-XH cho huyện Cam Lâm đã được xác định từ lâu. Tuy nhiên, đầu tư như thế nào cho xứng tầm với lợi thế và tiềm năng của huyện là một bài toán cần có lời giải. Bởi lẽ, Cam Lâm được biết đến với khá nhiều sản vật của biển và rừng. Ở đó, khu vực đầm Thủy Triều có đủ tiềm năng để phát triển kinh tế biển với rất nhiều nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ, thương mại phong phú đã đánh dấu một vùng đất năng động nhưng chưa được phát huy. Một tương lai gần cho Cam Lâm để phát triển thương mại dịch vụ (trong đó có du lịch) là tất yếu. Bởi lẽ, đây là địa bàn đang được tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư khu du lịch cấp quốc gia. Ông Lê Hoàng Phước cho biết: Ngoài việc chú trọng phát triển kinh tế mà lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, việc mở rộng và phát triển thương mại, dịch vụ sẽ được đầu tư hợp lý. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghệ cao, xây dựng các làng nghề phục vụ cho các điểm du lịch vệ tinh của địa phương. Những sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng là sản phẩm của du lịch và phục vụ xuất khẩu…
Tuy nhiên, để làm được điều này, đối với một huyện mới thành lập như Cam Lâm không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần có sự đầu tư dài hơi. Khi quyết định thành lập huyện Cam Lâm, tỉnh đã có định hướng để vùng đất tiềm năng này phát triển. Tuy nhiên để phát triển toàn diện, Cam Lâm đang cần sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của các cấp để có thể tự đứng vững trên “đôi chân” của mình.
HOÀNG TRIỀU - NGỌC PHƯƠNG