03:09, 24/09/2007

Chiếc máy cày biết làm cỏ dưa

Ông Trần Ngọc Trí ở thôn Diêm Điền, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hiện ông đang làm việc tại Hội Nông dân xã Vạn Khánh...

Ông Trần Ngọc Trí và chiếc máy cày làm cỏ.

Ông Trần Ngọc Trí ở thôn Diêm Điền, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hiện ông đang làm việc tại Hội Nông dân xã Vạn Khánh. Năm 2001, ở khu vực xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh có phong trào trồng dưa hấu, dưa lê trên chân ruộng 1 vụ lúa với diện tích 45 - 50 ha, trong đó có gia đình ông Trần Ngọc Trí. Vốn là một cán bộ nông nghiệp nên ông hiểu nỗi khổ của người nông dân một nắng hai sương. Năm 2002, gia đình ông Trí gieo trồng 1 ha dưa hấu và không phủ bạt, chỉ lên rò gọi là làm thủ công. Nhà ông neo đơn nên việc chăm sóc đầu tư không kịp, việc thuê công lao động rất khó khăn, chi phí tốn kém. Thời điểm trồng dưa phát triển rầm rộ nhất vào khoảng tháng 2 âm lịch hàng năm. Thời điểm này, người dân trong xã ai cũng tranh thủ làm cỏ cho kịp thời vụ nên gặp nhiều khó khăn về thuê công lao động để lên rò và làm cỏ dưa. Từ khó khăn đó, ông Trí nảy sinh ý tưởng cải tiến chiếc máy cày sẵn có thành phương pháp kỹ thuật lên rò và làm cỏ dưa bằng máy cày.

Chiếc máy cày trung hiệu YANMAR.2700 cũ thường được dùng để cày đất làm ruộng nay được ông cải tiến gắn thêm một bộ giàn xới dùng để làm cỏ. Để có một bộ giàn xới tốt, ông lặn lội lên Gia Lai để mua bộ giàn xới về tự làm theo thiết kế của mình. Sau khi có bộ giàn xới, ông Trí độ lại bộ phận trong máy cày cho khớp với giàn xới. Trong vòng một tháng, ông làm xong bộ sản phẩm cải tiến, đem vào dùng thử. Mọi người nhìn thấy ai cũng nói ông đi… phá dưa. Bởi vì làm như vậy cát bụi sẽ lấp đọt dưa và làm chết dưa… Thế nhưng, điều mọi người không ngờ là khi đưa vào sử dụng, chiếc máy làm cỏ của ông Trí tỏ ra rất hiệu quả. Ông Trí cho biết: “Khi cây dưa được 15 ngày tuổi, phải giữ cho đất có độ ẩm rồi mới gắn giàn xới vào để máy làm cỏ và lên rò lại”. Nếu rò dưa 1,4m thì máy chạy một lần ở 2 hàng dưa, xới xáo đất thục thêm thì sẽ sạch cỏ. Nếu rò dưa 1,6m thì máy chạy 2 lần trên rò dưa. Việc làm cỏ rò 1,6m không thuận lợi như rò 1,4m. Sau khi máy làm cỏ xong, trong thời gian từ 5 đến 7 ngày cây dưa phát triển rõ rệt so với cây dưa được làm cỏ bằng phương pháp thủ công. 1 sào (500m2) nếu làm cỏ bằng phương pháp thủ công phải trả chi phí gần 150 ngàn đồng (1 ngày 5 công, 1 công trả 30.000 đồng), trong khi 1 sào làm bằng máy cày chi phí chỉ 97.000 đồng. 1 ha dưa làm cỏ bằng máy cày mất 1 ngày, nhưng 1 ha dưa làm bằng phương pháp thủ công phải mất 2 ngày. Bình quân nếu làm cỏ 1 ha dưa bằng máy cày gắn giàn xới thì chi phí giảm 800.000 đồng so với làm bằng phương pháp thủ công. Từ lợi ích đó, nhiều năm nay chiếc mày cày làm cỏ dưa nhà ông Trí được nhiều người mướn. Thuận lợi lớn nhất từ việc làm cỏ bằng chiếc máy cày gắn giàn xới là chỉ làm cỏ duy nhất một lần và làm cho đất được băm nhỏ và xốp, không thiệt hại đến môi trường, trong khi làm bằng phương pháp thủ công phải mất 4 - 5 lần, rất tốn kém và không hiệu quả.

THANH BÌNH