07:08, 15/08/2007

Khoáng sản thô Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Ấn

Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ ngày 13-8 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các doanh nghiệp của bang Tây Belgal...

Sẽ có Tập đoàn Than - Khoáng sản VN. Ảnh minh họa

Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ ngày 13-8 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các doanh nghiệp của bang Tây Belgal đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội thiết lập liên doanh giữa doanh nghiệp bang này với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp theo những thành công của Diễn đàn Doanh nghiệp được tổ chức tại Kolkata (Ấn Độ) nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong tháng 7-2007, hơn 20 đại diện doanh nghiệp lớn của Bang Tây Bengal đã đến Việt Nam để thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp của Việt Nam.

Trên thực tế, Ấn Độ là nước cũng có lợi thế về chi phí sản xuất rẻ như Việt Nam, chính vì vậy đoàn doanh nghiệp Tây Bengal đến Việt Nam lần này mong muốn hợp tác trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh.

Tại buổi gặp gỡ, rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ tìm đối tác Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản dạng thô để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Tây Bengal cũng quan tâm đến kỹ năng nuôi cá và sản xuất giống lúa của Việt Nam. Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thép muốn tìm hiểu khả năng hợp tác giữa hai nước.

Ông Lalit Beriwala, Giám đốc công ty thép Shyam Steel Industries cho biết, ông rất quan tâm tới việc thành lập nhà máy sản xuất thép và khai thác khoáng sản tại Việt Nam. Mong muốn của ông là sản phẩm sẽ phục vụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang nuớc thứ 3.

Cũng trong lĩnh vực sản xuất thép, ông Govind Beriwala khẳng định công ty ông đã có khảo sát thị trường tại Việt Nam. “Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ thép rất lớn, tôi tin tưởng khi đầu tư vào thị trường của các bạn”, ông Beriwala nhận định.

Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng phòng thị trường Công ty TNHH Vạn Lợi cho biết công ty ông là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam thực hiện luyện phôi thép từ quặng, tham gia buổi gặp gỡ này ông mong muốn tìm được đối tác Ấn Độ có thể cung cấp quặng nhằm cân bằng nguồn cung cấp nguyên liệu cả trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Văn Dũng đã lần lượt trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp Ấn Độ liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, thương mại của Việt Nam.

Ông khẳng định với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và là tổ chức xúc tiến thương mại, VCCI sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các quan hệ hợp tác làm ăn. VCCI khuyến khích việc trao đổi các đòan doanh nghiệp cũng như việc tham gia các hội chợ, triển lãm như một hình thức để mỗi bên có thể quảng bá tiềm năng kinh tế, thương mại và đầu tư.

Ông P.R Agarwala, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Bharat (Ấn Độ) đề xuất thành lập cơ chế trao đổi thông tin thông qua Internet. Qua đó, các doanh nghiệp hai bên không chỉ thường xuyên cập nhật thông tin mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi thông tin trực tiếp lẫn nhau để vượt qua rào cản ngôn ngữ.

Ông Agarwala cũng gợi ý thành lập đường bay thẳng giữa Kolkata và Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc giao thương giữa hai bên.

Theo ông Trần Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi - Tây Nam Á (Bộ Công Thương), để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt - Ấn, trong các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp hai nước phải tìm hiểu rõ nhu cầu của nhau, nắm bắt được các mặt hàng mình có thế mạnh, cũng như tập quán buôn bán hai nước.

Hơn nữa, Việt Nam có thế mạnh về nông sản, thủ công mỹ nghệ, giày dép..., còn doanh nghiệp Ấn Độ có thế mạnh về thép, dược phẩm, công nghệ thông tin... Do vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu khả năng kết hợp xuất nhập khẩu các mặt hàng này.

Ngay trong cuộc gặp gỡ, các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thép, dệt may, điện, công nghệ thông tin... đã chia nhóm và gặp gỡ trao đổi.

Tuy chưa có hợp đồng cụ thể nào được ký kết nhưng theo các doanh nghiệp thì triển vọng là rất lớn, khả năng các doanh nghiệp trở thành đối tác chiến lược của nhau trong tương lai là hoàn toàn hiện thực. 

Theo Vneconomy