05:07, 28/07/2007

Nguy cơ mất thị trường Nhật Bản

6 tháng đầu năm 2007, 94 lô hàng hải sản (chiếm 1,6%) của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Khánh Hòa xuất khẩu sang Nhật Bản bị phát hiện nhiễm Chloramphenicol...

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Suối Dầu.

6 tháng đầu năm 2007, 94 lô hàng hải sản (chiếm 1,6%) của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, trong đó có Khánh Hòa xuất khẩu sang Nhật Bản bị phát hiện nhiễm Chloramphenicol, một loại kháng sinh bị cấm và nhà chức trách đã áp dụng lệnh kiểm tra 100% lô hàng hải sản của Việt Nam vào Nhật Bản. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, ông  Norio Hattori - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh: Nếu tình hình không được cải thiện, khả năng hàng thủy sản Việt Nam có thể bị cấm nhập vào Nhật Bản là rất lớn.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản (XKTS) truyền thống và chiếm thị phần khá lớn của các DN Việt Nam trong nhiều năm qua. Đến cuối tháng 6-2007, Việt Nam đã xuất khẩu vào Nhật khoảng 39.090 tấn thủy sản, doanh thu đạt trên 240 triệu USD với khoảng 6.000 lô hàng. Tuy nhiên, số lô hàng bị Nhật phát hiện cảnh báo nhiễm dư lượng kháng sinh tới 94 lô, chiếm tỉ lệ 1,6%.

Khánh Hòa hiện có trên 40 DN tham gia XKTS. Năm 2006, sản lượng đánh bắt thủy sản toàn tỉnh đạt 65.000 tấn, nuôi trồng đạt 25.000 tấn. Ngoài việc bảo quản phục vụ ăn tươi, số còn lại đều được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Hàng năm, sản lượng sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 45.000 - 47.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 260 triệu USD. Theo đánh giá của Bộ Thủy sản, nhờ tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), các DN ở Khánh Hòa đủ điều kiện để xâm nhập những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Tuy nhiên, tình trạng sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc trong nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu thời gian qua vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hình thức nuôi trồng ở Khánh Hòa nhỏ lẻ, không tập trung. Do không đủ nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhiều DN phải tổ chức mạng lưới thu mua từ nhiều đầu mối hoặc qua sơ chế nên không giám sát được việc có dư lượng thuốc kháng sinh hay không. Ngoài ra, nhiều DN chưa chủ động tìm hiểu kỹ thị trường, những thông tin liên quan đến mặt hàng mình sản xuất nên lượng tiêu thụ không cao. Không riêng gì chế biến, tình trạng sử dụng Urê, các hoá chất bị cấm trong việc bảo quản nguyên liệu đánh bắt, quá trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm đang ngày một gia tăng. Đây cũng là nguyên nhân khiến các mặt hàng thủy sản xuất khẩu ở Khánh Hòa bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng. Ngoài ảnh hưởng đến uy tín mặt hàng thủy sản của Việt Nam trên trường quốc tế, các DN cũng  thiệt hại không nhỏ vì phải đền bù các hợp đồng bán hàng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thủy sản, UBND tỉnh đã giao cho Sở Thủy sản, các ban ngành liên quan triển khai các biện pháp cụ thể về tăng cường quản lý hóa chất, kháng sinh dùng cho sản xuất kinh doanh (SX-KD) thực phẩm thủy sản. Theo đó, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh nêu trong danh mục do cơ quan quản lý Nhà nước quy định cấm sử dụng trong SX-KD thực phẩm; tập trung tuyên truyền, tập huấn phổ biển tới ngư dân, chủ tàu cá, nậu vựa, cơ sở thu mua… kiến thức ATVSTP thủy sản, tác hại của hóa chất, kháng sinh cấm… Thông báo đến các DN về mục đích, yêu cầu bảo đảm ATVSTP đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật...

Theo ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở Thủy sản: Có thể nói, các hành lang pháp lý về ATVSTP đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng về cơ bản yêu cầu quản lý của cơ quan Nhà nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để công tác này phát huy  hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương thông qua việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có sự cộng tác liên đới trách nhiệm giữa người nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSTP thủy sản cần được đẩy mạnh, huy động được nhiều thành phần tham gia. Nếu để mất thị trường Nhật Bản, ngoài thiệt hại lớn về mặt kinh tế, các DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc tạo dựng uy tín đối với thị trường khó tính khác như EU, Mỹ.

ANH TUẤN