6 tháng đầu năm 2007, nhiều mặt hàng như xăng dầu, vật liệu xây dựng, gas, dịch vụ vận chuyển, hàng tiêu dùng… đã tăng giá mạnh. Bên cạnh đó, số vụ vi phạm pháp luật...
Hàng hóa liên tục tăng giá trong 6 tháng đầu năm 2007. |
6 tháng đầu năm 2007, nhiều mặt hàng như xăng dầu, vật liệu xây dựng, gas, dịch vụ vận chuyển, hàng tiêu dùng… đã tăng giá mạnh.
Từ đầu năm đến nay, dù thuế nhập khẩu xăng sau 3 lần điều chỉnh đã giảm từ 15% xuống 0%, nhưng giá xăng vẫn tăng hơn 1.000 đồng/lít. Cụ thể giá xăng A92 áp dụng từ ngày 13-1 là 10.300 đồng/lít sau 2 lần tăng giá đã lên đến mức 12.000 đồng/lít kể từ ngày 7-5. Cùng với giá xăng dầu, sau gần 10 lần điều chỉnh, giá thép hiện đã cao hơn so với cuối năm 2006 từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/tấn. Tính riêng trong tháng 6-2007, giá thép đã tăng 3 lần với tổng mức tăng từ 450 - 550 ngàn đồng/tấn, hiện giá thép cây: 1 triệu đồng/tấn, thép cuộn 950.000 đồng/tấn. Không tăng mạnh như giá thép, song giá xi măng cũng tăng từ 26.000 - 32.000 đồng/tấn so với cuối năm 2006, giữ mức từ 870.000 - 1.100.000 đồng/tấn tùy nhãn hiệu.
Trong đợt tăng giá lần này còn có sự “tham gia” của hầu hết các mặt hàng tiêu dùng. Sau đợt tăng giá vào dịp Tết Nguyên đán rồi duy trì ở mức cao cho đến nay, đầu tháng 6-2007 giá thịt lợn tiếp tục tăng 8-10% so với trước. Hiện nay, giá thịt nạc thăn 39 ngàn đồng/kg, thịt ba chỉ 34 ngàn đồng/kg; giá thịt lợn bình quân 6 tháng ở mức 38,1 ngàn đồng/kg. Giá thịt lợn tăng do chi phí chăn nuôi tăng, bên cạnh đó dịch lở mồm long móng xảy ra trên đàn lợn cuối năm 2006 đã ảnh hưởng đến nguồn cung năm nay. Cũng vào thời điểm này, giá thịt bò đã tăng 1,5 - 2 ngàn đồng/kg, lên mức 105 ngàn đồng/kg loại 1, 85 ngàn đồng/kg thịt loại 2, giá các loại cá, tôm, mực cũng nhích lên 4-5 ngàn đồng/kg, giá gạo tẻ ngon phổ biến ở mức 6,7 ngàn đồng/kg, nếp thường: 8,1 ngàn đồng/kg, vàng 99%: 1.292.600 đồng/chỉ, đô la Mỹ 16.084 đồng/USD.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, mặt hàng sữa đã 5 lần tăng giá, mỗi lần tăng từ 3-15 ngàn đồng/sản phẩm. Cuối tháng 6-2007, các sản phẩm của Công ty Dutch Lady Việt Nam như sữa cô gái Hà Lan hộp thiếc, hộp giấy tăng 6.000-14.000 đồng/hộp, lên mức 103.000-117.000 đồng/hộp 900g (loại 1,2,3) và từ 102.000 đồng/hộp tăng lên 116.000 đồng (loại 4,5,6). Ngay sau đó, các sản phẩm sữa Vinamilk cũng tăng từ 5-10 ngàn đồng/hộp và 25-31 ngàn đồng/thùng. Sang đầu tháng 7, các hãng sữa tiếp tục điều chỉnh giá tăng thêm 5-10% so với trước. Giá nguyên liệu sữa nhập khẩu tăng 60% so với năm 2006 là nguyên nhân chính khiến giá sữa tăng. Bên cạnh đó, không loại trừ yếu tố tâm lý “càng đắt càng tốt” của người tiêu dùng, và tình trạng doanh nghiệp “nhìn nhau” tăng giá đã khiến giá sữa bị đẩy lên cao hơn so với thực tế.
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua đã tăng 5,23%, bình quân mỗi tháng tăng 0,85%, trong khi 6 tháng đầu năm 2006 bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,63%. Điều đáng nói là quá trình thay đổi giá cả hàng hóa 6 tháng đầu năm nay có sự khác biệt với các năm trước khi có sự tác động gần như tức thời của giá cả thế giới. Đây là điều tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta hiện nay.
Có thể nói, thị trường 6 tháng đầu năm đã không ngừng biến động. Với việc tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
HỒNG ĐĂNG