Ngành Tài chính sẽ cấp mã số thuế cho tất cả các cá nhân, thậm chí trẻ em mới ra đời, để xác định rõ đó là những trường hợp ăn theo của đối tượng nộp thuế...
Toàn dân sẽ có mã số thuế. Ảnh: Thanh Niên |
Ngành Tài chính sẽ cấp mã số thuế cho tất cả các cá nhân, thậm chí trẻ em mới ra đời, để xác định rõ đó là những trường hợp ăn theo của đối tượng nộp thuế, được chiết trừ gia cảnh.
Đó là thông tin từ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trong cuộc hội thảo "Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và kinh nghiệm quản lý" diễn ra vào ngày 26-6 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, để triển khai Luật Thuế TNCN (dự kiến được thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2009).
Ông cũng khẳng định việc ban soạn thảo giữ quan điểm đặt mức khởi điểm chịu thuế là 4 hoặc 5 triệu đồng, tương ứng với khoảng 2 đến 2,5 triệu người nộp thuế, phù hợp với khả năng quản lý của ngành thuế hiện nay.
Theo Thứ trưởng Trương Chí Trung, Bộ Tài chính đang hướng tới việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. "Hiện nay, mức thuế 28% ở ta là cao so với các mức từ 20-25% của các nước trong khu vực và điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam", ông Trung nói.
Vấn đề đăng ký mã số thuế, ông Bart Koster, chuyên gia dự án EU (thuộc chương trình Hỗ trợ kỹ thuật châu Âu cho Việt Nam) đánh giá rằng, "đây là một khâu quyết định sự thành công của sắc thuế này".
Tuy nhiên, để giảm gánh nặng cho ngành thuế, theo ông Bart, "khi bắt đầu, nên tập trung vào việc đăng ký của người nộp thuế.
Ở giai đoạn tiếp theo, việc đăng ký mới cần mở rộng hơn tới những người làm công có mức lương dưới ngưỡng thuế TNCN và những người phụ thuộc của người nộp thuế".
Góp ý cho dự thảo luật, Tiến sĩ Nguyễn Quang A (VP Bank), người được Tổng cục Thuế giới thiệu là "một trong những người nộp thuế TNCN đầu tiên và nhiều nhất Việt Nam", cho rằng cần mở rộng diện chịu thuế TNCN để nội dung của Luật Thuế TNCN thật đúng với tên gọi của nó.
Nói về vấn đề giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, đại diện Công ty Kiểm toán KPMG băn khoăn: "Thực tế ở Việt Nam, có rất nhiều gia đình có nhiều thế hệ chung sống. Vì vậy, việc xác định ai là đối tượng phụ thuộc để được hưởng giảm trừ gia cảnh là cả một vấn đề. Chúng tôi không biết Bộ Tài chính có thể đưa ra được hệ thống pháp lý để quản lý đối tượng phụ thuộc không, nếu không liệu có thể tính đến việc áp dụng các phương án khác (như áp dụng thuế suất thấp) ?".
Đại diện của KPMG cũng đặt vấn đề: "Theo dự thảo luật thì những chuyên gia nước ngoài ngắn hạn đến làm việc tại Việt Nam đều bị đánh thuế TNCN. Nếu áp dụng quy định này thì việc thu thuế rất khó khăn bởi quá trình xác định thu nhập để tính thuế đối với đối tượng này là rất khó".
Đại biểu này nói: "Bản thân doanh nghiệp chúng tôi có rất nhiều cán bộ của công ty mẹ chỉ sang Việt Nam làm việc có vài ngày nên khó có thể xác định được thu nhập tính thuế. Chúng tôi kiến nghị chỉ đánh thuế đối với những cá nhân nước ngoài cư trú ở Việt Nam trong thời gian trên 30 ngày".
Đồng tình với quan điểm này, đại diện của Ngân hàng ANZ, Giám đốc Tài chính Lưu Thị Thảo cho biết, với ANZ, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm việc trong vài ngày là rất nhiều.
Việc thu thuế TNCN đối với những đối tượng này là "không khả thi". "Chúng tôi kiến nghị là áp dụng giống như Trung Quốc, không đánh thuế đối với người nước ngoài có thời gian lưu trú tại Việt Nam dưới 90 ngày", bà Thảo đề nghị.
Cũng theo đại diện của Ngân hàng ANZ, "thuế suất 25% đối với hoạt động đầu tư chứng khoán là quá cao. Nếu áp dụng mức thuế này thì không khuyến khích thị trường chứng khoán nước ta phát triển".
"Không nên đánh thuế quá cao với người giàu, người có tài mà phải áp dụng một mức thuế suất thấp nhất làm động lực, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh...
Nếu đánh thuế nặng vào nhóm đối tượng này, tuy có vẻ là "có công bằng xã hội", "được lòng dân"... nhưng lại tạo ra tình trạng cào bằng, bình quân chủ nghĩa" - Tiến sĩ Nguyễn Quang A (VP Bank).
Một số đại biểu tại cuộc họp cho rằng, có một vấn đề lớn mà dự thảo Luật Thuế TNCN chưa đề cập tới là việc đánh thuế đối với các khoản đóng góp của các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi vụ lợi như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật...
Đây là những đối tượng rất nên được miễn thuế thu nhập để khuyến khích, huy động nguồn lực giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc hiện nay. Một số ý kiến hoan nghênh quan điểm của ban soạn thảo không đánh thuế vào các khoản lãi gửi tiết kiệm, lãi trái phiếu, tín phiếu Chính phủ, kiều hối.
Theo Báo Tiền Phong