Đến năm 2010 công nghiệp xi măng Việt Nam sẽ có tổng công suất thiết kế khoảng 60 triệu tấn, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dự báo là 50 triệu tấn.
Ảnh minh họa |
Đến năm 2010 công nghiệp xi măng Việt Nam sẽ có tổng công suất thiết kế khoảng 60 triệu tấn, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dự báo là 50 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã khẳng định như vậy tại hội thảo về phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2007-2010 diễn ra sáng 16-1 tại Hà Nội, do Hiệp hội Xi măng Việt Nam phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức.
Ông Thiện cho biết, trong giai đoạn kế hoạch 5 năm 2001-2005, công nghiệp xi măng có những bước phát triển nhanh và mạnh. Khởi đầu từ mốc sản lượng 7,40 triệu tấn năm 1995 đến năm 2005 đã tăng lên gấp 4 lần với 29 triệu tấn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí quan điểm rằng ngành xi măng Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt và sẽ còn tiếp tục tăng trong giai đoạn từ nay đến 2010. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp này đang còn tồn tại một số điểm yếu mà nếu không sớm tập trung khắc phục thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường về sau, như: đầu tư phân tán, thiếu tập trung; phát triển các dự án xi măng chưa đồng bộ với phát triển giao thông vận tải; năng lực cạnh tranh còn yếu; vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức...
Ông George Thomas - chuyên gia cao cấp về công nghiệp của IFC cho rằng, tình trạng đầu tư manh mún là vấn đề ngành xi măng Việt Nam cần quan tâm nhất hiện nay. Theo ông George Thomas, việc ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đang phát triển với cơ cấu thiếu tập trung, nhiều nhà máy, nhiều đầu mối công ty như hiện nay sẽ có thể dẫn đến nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau này, làm phát sinh các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá... “Không cần thiết phải tăng quá nhiều sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp, bởi như vậy sẽ rất khó kiểm soát. Vấn đề là chúng ta cần phải tập trung vào điều chỉnh cân đối giữa cung và cầu nếu không muốn có hậu quả dư thừa”, ông George Thomas nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông George Thomas, ông Eric Siew, chuyên gia cao cấp về đầu tư của IFC cho rằng, việc xây dựng một quy hoạch tổng thể với những chiến lược dài hơi cho ngành xi măng ở Việt Nam là cần thiết. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã tiến hành việc này nhưng vẫn cần đẩy tốc độ nhanh hơn nhằm giúp cho ngành công nghiệp này sớm ổn định, đứng vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Ông Eric Siew cam kết IFC sẽ tiếp tục trợ giúp Việt Nam trong đầu tư phát triển ngành xi măng.
Được biết, cho đến nay đầu tư của IFC vào ngành xi măng ở Việt Nam là gần 700 triệu USD.
Theo VOV