09:01, 14/01/2007

Hướng tới một thương hiệu

 

Hội chợ - Triển lãm Festival Thương hiệu Việt 2006 diễn ra tại Công viên biển Nha Trang đã kết thúc, song dấu ấn của hội chợ vẫn còn in đậm trong tâm trí của các doanh nghiệp...

Những gian hàng làm đẹp thu hút khá đông phụ nữ.

Hội chợ - Triển lãm Festival Thương hiệu Việt 2006 diễn ra tại Công viên biển Nha Trang đã kết thúc, song dấu ấn của hội chợ vẫn còn in đậm trong tâm trí của các doanh nghiệp (DN) tham gia và người dân thành phố biển.

° Doanh nghiệp “cháy” hàng

Đây quả là điều hiếm thấy. Hầu hết DN mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều tỏ ra hài lòng với những gì họ đạt được tại hội chợ. Đó không chỉ là việc bán được nhiều hàng hóa, quảng bá sản phẩm, các DN còn tạo được mối liên hệ với địa phương thông qua việc ký kết mở đại lý, văn phòng đại diện…

Rượu Bầu Đá của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Thảo (Quy Nhơn, Bình Định), một mặt hàng khá quen thuộc với người tiêu dùng rất hút hàng. Công ty đã phải 5, 7 lần về tận nơi sản xuất lấy thêm hàng vào bán. Rượu Bầu Đá của Công ty Thanh Thảo chứa trong 6 loại bình có hình quả bầu trang trí hoa văn khá tinh tế, giá bán từ 28.000 đến 98.000 đồng/bình.

Gian hàng xe máy tham gia hội chợ chủ yếu là để quảng bá thương hiệu nhưng cũng đã bán được hàng. Nhân viên của DN tư nhân Thương mại Ngọc Thanh (số 3 Quang Trung, Nha Trang), DN chuyên bán các loại xe tay ga và mô tô cao cấp đã bán được 3 chiếc Bella, 5 chiếc Sappia trong những ngày diễn ra hội chợ, mỗi chiếc giá 40 - 50 triệu đồng. Đây là điều mà DN không hề nghĩ tới khi tham gia hội chợ.

Không chỉ mua sắm hàng tiêu dùng, lượng khách hàng tìm hiểu các mặt hàng ẩm thực cũng rất đông. Với các món ăn chế biến từ thịt đà điểu và cá sấu, sản phẩm của Tổng Công ty Khánh Việt đem đến hội chợ đã làm mê lòng thực khách. Mỗi món ăn chỉ có giá từ 15 - 20 ngàn đồng nhưng DN này đã bán được gần 30 triệu đồng. Ngoài cá sấu, đà điểu, món thịt cừu của DN tư nhân Hoàng Lai (Phan Rang, Ninh Thuận) cũng đắt khách đến mức ngay cả người bán hàng cũng bất ngờ. Nhân viên bán hàng ở đây cho biết: “Từ trước tới nay, chúng tôi chưa hề biết sản phẩm này lại được quan tâm nhiều như vậy tại Khánh Hòa. Qua hội chợ, chúng tôi nhận thấy Nha Trang là thị trường có khả năng tiêu thụ được thịt cừu, hiện chúng tôi đang xúc tiến việc mở một cửa hàng tại đây làm cơ sở 2. Ngoài việc cung cấp nguồn nguyên liệu, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật chế biến, thậm chí cho mượn thương hiệu đối với tất cả những ai có nhu cầu kinh doanh mặt hàng này”. Thưởng thức món thịt cừu cũng khá thú vị, giá rẻ hơn thịt bò, hiện thịt cừu tươi loại ngon nhất 60.000 đồng/kg, thịt sườn 50.000 đồng/kg.

Tại hội chợ, những gian hàng quần áo chiếm số lượng lớn nhưng khó khăn lắm khách hàng mới chen chân vào được. Không chỉ các mặt hàng đắt tiền, một số mặt hàng có giá “mềm” như trà và cà phê Thái Bảo của Công ty Quảng Thái (Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng bán chạy. Sản phẩm đồ hộp của Công ty Vissan (TP. Hồ Chí Minh) cũng đạt doanh số trên 70 triệu đồng.

Bên cạnh các sản phẩm “hữu hình”, loại hình kinh doanh dịch vụ là một nét mới trong hội chợ. Đáng chú ý có dịch vụ cưới hỏi, du lịch, tư vấn du học và giới thiệu việc làm… Những dịch vụ này đã cố gắng chuyển tải những gì tinh túy nhất đến với khách hàng. Công ty Toàn Vinh (số 12E Hoàng Hoa Thám, Nha Trang), đơn vị chuyên tư vấn du học và giới thiệu việc làm cũng đã tiếp nhận hàng trăm lượt người yêu cầu tìm việc, không ít người trong số đó đã để lại hồ sơ.

Với 315 gian hàng của 115 DN, có thể khẳng định hội chợ lần này đã thành công. Sự thành công không chỉ thể hiện ở doanh số 14 tỷ đồng qua 7 ngày hội chợ, mà các DN còn tạo được “tiếng vang” với người tiêu dùng và xúc tiến được nhiều hợp đồng, thỏa thuận làm ăn lâu dài.

° Nhà tổ chức “cháy” vé

Đa số DN mà chúng tôi tiếp xúc đều mong muốn Hội chợ - Triển lãm Festival Thương hiệu Việt sẽ trở thành một hoạt động hàng năm của Khánh Hòa. Bởi số lượng người tham gia hội chợ đã gây bất ngờ ngay cả với nhà tổ chức. Con số 40.000 vé dự kiến bán ra trong suốt thời gian diễn ra hội chợ đã hết sau hơn 3 ngày. Doanh thu bình quân mỗi ngày 2 tỷ đồng. Đây là những con số khá ấn tượng.

Đạt được thành công trên phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, những ca sĩ tên tuổi và chương trình “hội” được dàn dựng công phu, hoành tráng. Thiết nghĩ, từ thành công của hội chợ, các ngành chức năng mà trực tiếp là Sở Du lịch - Thương mại cần có kế hoạch xây dựng Hội chợ - Triển lãm Festival Thương hiệu Việt trở thành một thương hiệu của Khánh Hòa, để người dân và khách du lịch mỗi lần nhắc đến Hội chợ - Triển lãm Festival Thương hiệu Việt có thể liên tưởng ngay đến hoạt động văn hóa - thương mại sẽ diễn ra trong không khí ngập tràn sắc xuân tại Khánh Hòa.

CÔNG ĐỊNH