08:12, 07/12/2006

Vốn FDI đạt mức kỷ lục

Chỉ trong 10 tháng đầu năm công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã hoàn thành kế hoạch cả năm, 11 tháng tổng vốn FDI đạt gần 8,3 tỷ USD. Vốn FDI vào Việt Nam đang...

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn lớn vào Việt Nam. (Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án trị giá gần 300 triệu USD).

Chỉ trong 10 tháng đầu năm công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã hoàn thành kế hoạch cả năm, 11 tháng tổng vốn FDI đạt gần 8,3 tỷ USD. Vốn FDI vào Việt Nam đang tiến dần tới kỷ lục cao nhất kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài đến nay, vượt qua kỷ lục 8,6 tỷ USD của năm 1996.

Mốc 9 tỷ USD

Với số vốn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cộng thêm những dự án đang chờ cấp giấy chứng nhận trong năm nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất tự tin cho rằng, tổng vốn FDI năm 2006 ước đạt khoảng 9 tỷ USD. Đây thực sự là con số mà từ đầu năm ít người nghĩ đến. 

Trong tổng số 9 tỷ USD vốn FDI, vốn cấp mới là 6,8 tỷ USD, vốn mở rộng sản xuất kinh doanh là 2,2 tỷ USD. Với kết quả này, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2006 tăng tới 38,5% so với với kế hoạch đề ra và tăng 31,7% so với năm 2005.

Bên cạnh việc đạt được tổng số vốn đầu tư lớn, bước chuyển biến lớn nhất trong thu hút vốn FDI năm 2006 là Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn và các dự án công nghệ cao của các tập đoàn đa quốc gia. Trong số đó có thể kể đến dự án thép Posco tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trị giá 1,1 tỷ USD; Tập đoàn Intel đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn gần 1 tỷ USD.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong năm 2005, tình hình đưa vốn vào thực hiện cũng tăng khá nhanh. Vốn thực hiện năm 2006 ước đạt 4,1 tỷ USD tăng 10,8% so với kế hoạch ban đầu và tăng 24,2% so với năm 2005. Điều đáng chú ý là hầu hết các dự án lớn được cấp phép triển khai rất nhanh.

Với kết quả này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến năm 2007 mức thu hút vốn FDI đạt khoảng 9,2 tỷ USD, trong đó cấp mới là 7 tỷ USD và vốn tăng thêm là 2,2 tỷ USD. Mức vốn thực hiện được nâng lên mức 4,5 tỷ USD.

Vào WTO các nhà đầu tư quan tâm Việt Nam hơn

Đánh giá về những tác động đối với thu hút FDI trong thời gian tới, một chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, việc Việt Nam trở thành thành viên 150 của WTO và tổ chức thành công Hội nghị APEC 14 tại Hà Nội đã góp phần làm cho sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam gia tăng. 

Bên cạnh đó, với việc gia nhập WTO, môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện do việc hoàn hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường và thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý theo cam kết trong WTO.

Theo cam kết, khi là thành viên của WTO, Việt Nam tuân thủ toàn bộ các hiệp định và quy định mang tính ràng buộc của tổ chức này với nguyên tắc chính là mở cửa thị trường về hàng hoá và dịch vụ, không phân biệt đối xử hàng hoá và doanh nghiệp giữa các đối tác; thực hiện những quy định về đầu tư liên quan đến thương mại, tuân thủ các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, công khai minh bạch chính sách...

Chúng ta cũng cam kết mở cửa 11 ngành với 110/115 phân ngành dịch vụ. Mức độ cam kết không cao hơn nhiều so với Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Trong nỗ lực đổi mới để phát triển kinh tế, Việt Nam đã ban hành và áp dụng hàng loạt đạo luật mới quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu... cũng như việc phân cấp triệt để việc quản lý đầu tư về cho các địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách về đầu tư kinh doanh theo hướng tạo mặt bằng pháp lý chung cho cả đầu tư nước ngoài và trong nước, đưa môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vấn đề hiện nay là việc thực hiện các bộ luật này một cách thống nhất và hiệu quả. Đồng thời thực hiện việc cải cách hành chính về đầu tư theo cơ chế "một cửa" tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến Việt Nam.

Theo VietNamNet