Theo quy hoạch, đến năm 2010 diện tích sản xuất hoa của cả nước phải đạt 8.000ha với sản lượng 4,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu một tỷ cành, trở thành cường quốc sản xuất hoa...
Riêng tỉnh Lâm Đồng có diện tích hoa cắt cành trên 1.100ha với sản lượng không dưới 800 triệu cành mỗi năm. |
Theo quy hoạch, đến năm 2010 diện tích sản xuất hoa của cả nước phải đạt 8.000ha với sản lượng 4,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu một tỷ cành, trở thành cường quốc sản xuất hoa tương đương Hà Lan, trong đó, Đà Lạt là nơi sản xuất hoa lớn nhất nước.
Thực trạng ngành sản xuất hoa ở Việt Nam: Hiện nay, cả nước có khoảng 4.000ha diện tích sản xuất hoa cắt cành với sản lượng khoảng 3 tỷ cành hoa. Quy mô về diện tích này tương đương Tây Ban Nha, nước đứng thứ 5 châu Âu về sản xuất hoa. Sản xuất hoa cắt cành ở nước ta hiện nay tập trung xung quanh một số đô thị lớn. Ở Hà Nội và vùng lân cận có trên 1.000ha, chủ yếu là hoa hồng, cúc, đào, lay ơn, cẩm chướng. Ở Hải Phòng có 300ha.
Thị trấn Sapa - Lào Cai có tiềm năng với các loài hoa ưa lạnh nhưng quy mô còn nhỏ. Khu vực duyên hải miền Trung mới bắt đầu sản xuất hoa cắt cành, chủ yếu phục vụ thị trường tại chỗ. TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam bộ… là nơi sản xuất hoa và cây cảnh đáng kể nhưng chủ yếu là các loại hoa nhiệt đới.
Riêng tỉnh Lâm Đồng có diện tích hoa cắt cành trên 1.100ha với sản lượng không dưới 800 triệu cành mỗi năm. Với khả năng sản xuất quanh năm, Lâm Đồng có thể được coi là trung tâm sản xuất hoa cắt cành lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, ngoài một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có ứng dụng các yếu tố công nghệ tiên tiến và quan trọng hơn cả là có đầu ra, xuất khẩu (số này không nhiều), hoa của Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung hầu hết để phục vụ thị trường trong nước, lượng xuất khẩu tiểu ngạch cho các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia hầu như không đáng kể.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu một tỷ cành hoa, trị giá 60 triệu đô la vào năm 2010, cần phải làm những việc sau đây: Một là đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất bao gồm các khâu trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, bán hàng… để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành…
Hai là, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp, hiệp hội… để đủ năng lực tổ chức sản xuất theo yêu cầu thị trường xuất khẩu. Ba là, có hành lang pháp lý phù hợp với các quy định quốc tế về bảo hộ quyền tác giả với việc sử dụng các giống hoa nhập nội, đồng thời tích cực tạo giống hoa mới của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thị trường… Bốn là, trên cơ sở điều kiện sinh thái, quy hoạch vùng sản xuất các chủng loại hoa với định hướng nhu cầu thị trường…
Theo TTXVN