09:12, 16/12/2006

Triển vọng xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Sơn

Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, những năm qua, người dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã chú trọng đầu tư trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những loại nông sản...

Người dân Khánh Sơn đang trông chờ vào thương hiệu sầu riêng.

Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, những năm qua, người dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã chú trọng đầu tư trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những loại nông sản đã có chỗ đứng như: mía tím, sầu riêng thì chôm chôm, măng cụt đang từng bước được người dân Khánh Sơn chú ý.

Những năm gần đây, người dân Khánh Sơn đã tập trung phát triển mạnh một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: mía tím, sầu riêng. Tuy chưa chính thức được công nhận thương hiệu nhưng thương lái và nông dân ngầm hiểu những loại nông sản này là đặc sản của Khánh Sơn. Nói đến đặc sản Khánh Sơn, nhiều người rất ấn tượng với vị ngọt lừ của mía tím và thơm ngon của sầu riêng. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi đã giúp nông sản ở Khánh Sơn có hương vị đặc biệt. Một số giống cây ăn quả miền Nam khi được trồng ở Khánh Sơn đã cho quả trái mùa, trở thành điểm nhấn để mọi người phân biệt với sản phẩm từ các vùng khác…

Những năm qua, cây mía tím đã giúp người dân Khánh Sơn thoát nghèo. Đây cũng là loại cây trồng góp phần vào sự tăng trưởng nông nghiệp địa phương. Năm 2005, mỗi héc-ta mía tím người dân thu từ 70 - 75 triệu đồng, trừ chi phí, lãi bình quân 30 - 40 triệu đồng/ha; năm 2006, mía tím Khánh Sơn được bán với giá bình quân 90 - 95 triệu đồng/ha. Với địa bàn tiêu thụ trải rộng ở các tỉnh miền Trung, từ Bình Định đến Bình Thuận, mía tím Khánh Sơn luôn được giá và có sức tiêu thụ mạnh. Lợi nhuận cao từ cây mía tím đã góp phần khẳng định đây là một trong những cây nông nghiệp chủ lực của huyện. Chính vì vậy, huyện phấn đấu nâng diện tích mía tím từ 241 ha (năm 2006) lên 250 ha (năm 2007). Bên cạnh đó, cây sầu riêng đang từng bước được người dân địa phương chú trọng đầu tư chăm sóc. Ngoài giá trị kinh tế cao, chất lượng sầu riêng Khánh Sơn đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây sầu riêng không kén địa hình như mía tím nên người dân tận dụng trồng trên tất cả khu vực đồi dốc. Trong Chương trình 743 (giai đoạn 1999 - 2000), cây sầu riêng đã được đưa vào trồng ở Khánh Sơn. Từ năm 2004, những lứa cây sầu riêng đầu tiên bắt đầu cho quả. Xác định được giá trị của loại sầu riêng cơm vàng hạt lép, huyện đã xây dựng chương trình phát triển cây sầu riêng và vận động người dân thay thế dần những cây trồng ít giá trị bằng cây sầu riêng. Đến nay, Khánh Sơn đã phát triển được hơn 180 ha sầu riêng; trong đó hơn 30% số cây đã cho quả. Năm 2006, giá bán sầu riêng bình quân tại gốc 15 - 18 ngàn đồng/kg. Vụ sầu riêng vừa qua được đánh giá “hút hàng”, bởi nhu cầu của người tiêu dùng tại các địa bàn: Nha Trang, Cam Ranh và Ninh Thuận khá lớn. Tuy mới xuất hiện khoảng 2 năm, nhưng sầu riêng Khánh Sơn đã chiếm lĩnh được thị trường nhờ chất lượng. Nhiều gia đình trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép từ năm 1999 giờ đây đã có thu nhập bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/hộ (thậm chí có hộ thu được trăm triệu đồng). Sầu riêng Khánh Sơn có giá trị kinh tế cao; đặc biệt chất lượng vượt trội so với sầu riêng các vùng khác đã thúc đẩy huyện xây dựng kế hoạch đăng ký thương hiệu. Để đáp ứng nhu cầu thị trường về lâu dài, huyện Khánh Sơn đã trồng thêm 30 ngàn cây sầu riêng cơm vàng hạt lép loại Moong-thoong và Chín Hóa (tương ứng 150 ha).

Không chỉ nổi tiếng ở 2 loại nông sản trên, Khánh Sơn còn được biết đến với các loại cây ăn quả như: chôm chôm, măng cụt… Hiện nay, với quy mô mở rộng diện tích vườn cây ăn quả, nhiều hộ gia đình tại các xã: Sơn Bình, Sơn Lâm đã trồng xen vào vườn giống chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái Lan và măng cụt. Tuy mới cho những lứa quả đầu tiên nhưng giá trị kinh tế và chất lượng của chôm chôm, măng cụt Khánh Sơn cũng được đánh giá cao. Những nhà hàng tại Khánh Sơn đã bắt đầu giới thiệu các loại quả mới trong các bữa tiệc… Vụ vừa qua, chôm chôm Khánh Sơn được bán với giá 8 ngàn đồng/kg, măng cụt giá 25 ngàn đồng/kg (cao hơn giá bình quân ngoài thị trường). Do vậy, nhiều gia đình cũng khởi động đầu tư trồng măng cụt với diện tích 2 - 3 ha, thậm chí có hộ trồng đến 5 ha (khoảng 1.000 cây) như hộ ông Nguyễn Văn Dư (xã Sơn Bình)…

Để từng bước xây dựng các loại cây ăn quả ở Khánh Sơn trở thành thương hiệu, huyện đang nghiên cứu, khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn lồng ghép với du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân.

HOÀNG TRIỀU