09:12, 09/12/2006

Triển vọng mới cho công nghiệp Ninh Hòa

Công nghiệp (CN) Ninh Hòa được đánh giá cao qua sự phát triển ổn định của ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Tuy nhiên, những năm qua...

Công nghiệp sửa chữa tàu thủy của HVS đã đem lại nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm đáng kể cho lao động địa phương.

Công nghiệp (CN) Ninh Hòa (Khánh Hòa) được đánh giá cao qua sự phát triển ổn định của ngành tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Tuy nhiên, những năm qua, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CN nặng lại góp phần quyết định giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của Ninh Hòa. Với tiềm năng này, Ninh Hòa đang nỗ lực tập trung xây dựng các cụm CN để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và từng bước khẳng định tiềm năng và vận hội mới từ lĩnh vực CN…

° CÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH

5 năm trở lại đây, Ninh Hòa đã được nhìn nhận có nhiều thế mạnh CN, vì địa phương có tốc độ tăng trưởng CN ổn định hàng năm từ 20% trở lên. Trong nhiều năm, thế mạnh của CN Ninh Hòa được tập trung vào các ngành nghề TTCN như: sản xuất gạch ngói; hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) mây, tre, lá… Đây là lĩnh vực góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng GTSXCN và giải quyết việc làm (GQVL) cho nhiều lao động. Nhưng, các lĩnh vực SXCN khác như: xi măng, cơ khí, chế biến thực phẩm… lại đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng trưởng CN và kinh tế của Ninh Hòa.

Hiện nay, GTSXCN Ninh Hòa đang có mức tăng trưởng ổn định. Nếu như năm 2001, GTSXCN trong nước của địa phương chỉ đạt 88,5 tỷ đồng (giá cố định năm 1994) thì đến năm 2006 ước đạt 200 tỷ đồng. Nhìn tổng quan, sự gia tăng này không lớn, nhưng với một huyện thuần nông thì SXCN-TTCN đã góp phần GQVL cho hàng ngàn lao động/năm; trong đó, 2 ngành nghề thu hút lao động lớn là sản xuất gạch ngói và hàng TCMN. Chỉ tính hơn 100 cơ sở sản xuất gạch tư nhân cũng đã GQVL cho hơn 1.000 lao động/năm. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất hàng TCMN đã GQVL cho hơn 2.000 lao động/năm; riêng Hợp tác xã TCMN xuất khẩu Vĩnh Phước GQVL cho gần 550 lao động tại cơ sở chính và hàng trăm lao động vệ tinh (lao động nông nhàn tại các xã)…

° TRIỂN VỌNG MỚI

- Lĩnh vực CN đã GQVL cho 11.052 lao động; trong đó, CN có vốn ĐTNN thu hút 4.700 lao động.

- Những năm tiếp theo, Ninh Hòa sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực CN như: công nghiệp tàu thủy, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất hàng TCMN, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí.…

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng đều đặn của CN có vốn đầu tư trong nước, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã bắt đầu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đi vào sản xuất. Tiêu biểu là Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) đã đầu tư tại khu vực phía Nam vịnh Vân Phong nhà máy sửa chữa tàu biển có quy mô lớn trong khu vực Đông Nam Á. Từ khi HVS đi vào hoạt động, KT-XH các xã ven biển Ninh Hòa từng bước được cải thiện, người lao động trong huyện đã có thêm nhiều cơ hội kiếm việc làm ổn định. Hiện nay, một số nhà ĐTNN trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy, nhiệt điện… đã có dự định đầu tư vào Ninh Hòa nên CN địa phương rất có triển vọng tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng CN Ninh Hòa phần lớn nhờ vào sự đóng góp của các DN có vốn ĐTNN. Điều đó khẳng định sự thành công của các nhà ĐTNN khi tổ chức sản xuất kinh doanh tại địa phương. Chỉ có 4 DN vốn ĐTNN (trong tổng số 1.274 DN và cơ sở SXCN) nhưng GTSXCN chiếm đến 40% giá trị CN toàn huyện. Với thế mạnh về CN, giai đoạn 2006 - 2010, cơ cấu kinh tế địa phương được xác định theo hướng: CN (chiếm 51%) - nông nghiệp (24,6%) - dịch vụ (24,4%).

Từ lợi thế về đường giao thông, cảng biển và việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, Ninh Hòa đang xúc tiến xây dựng thêm Cụm CN Ninh Xuân (99,6 ha) với tổng vốn đầu tư khoảng 89 tỷ đồng và lập dự án Cụm CN Ninh An (khoảng 40 ha) để phát triển song hành với các dự án lớn của tỉnh. Trong quá trình xây dựng và hoạt động, Ninh Hòa sẽ rút kinh nghiệm để có những bước điều chỉnh hợp lý. Như vậy, những cụm CN này sẽ góp phần đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Nam vịnh Vân Phong cũng như nâng cao hơn nữa GTSXCN địa phương. Từ tiềm năng và lợi thế tại khu vực phía Nam vịnh Vân Phong, Ninh Hòa đã và đang từng bước phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là giải pháp nâng dần chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

HOÀNG TRIỀU