Vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Hội thảo không chỉ thu hút đông đảo người dân đang sản xuất rau tại Cam Ranh...
Có thương hiệu, rau an toàn sẽ có chỗ đứng trên thị trường. |
Vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Hội thảo không chỉ thu hút đông đảo người dân đang sản xuất rau tại Cam Ranh, Diên Khánh, Nha Trang, mà một số chủ nhà hàng, khách sạn, quán ăn cũng tham gia. Điều này cho thấy, nhu cầu về rau an toàn đã và đang thu hút được sự chú ý của cả người sản xuất và người tiêu thụ. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là làm thế nào phân biệt rau an toàn và rau không an toàn?
Hiện nay, vấn đề đầu ra cho rau an toàn không còn là điều đáng lo ngại, bởi người tiêu dùng đã hiểu những nguy hại của việc sử dụng rau không an toàn và đang hướng tới việc sử dụng rau an toàn - rau sạch trong bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, hầu hết rau được sản xuất hiện nay đều không đảm bảo về quy trình sản xuất rau sạch; lượng tồn dư của thuốc BVTV trong rau quá cao, nguồn nước tưới bị ô nhiễm… Điều này gây nguy hiểm cho người sử dụng, về lâu dài có thể dẫn đến một số bệnh ung thư. Vì vậy, sản xuất rau theo mô hình an toàn là hướng đi đúng cho nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đầu năm 2006, Chi cục BVTV tỉnh xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn tại 4 điểm ở Nha Trang, Diên Khánh và Cam Ranh với diện tích khoảng 8 ha. Với 4 lớp tập huấn, Chi cục đã hướng dẫn 120 học viên - là những nông dân đang trực tiếp sản xuất rau tại các địa phương nhận thức đầy đủ về rau an toàn và phương pháp sản xuất rau an toàn; nhận thức về thuốc BVTV và cách sử dụng thuốc, phân bón sao cho đúng tiêu chuẩn và chất lượng. Học viên được cấp tài liệu hướng dẫn sản xuất, được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tự động, máy bơm, khoan giếng, mua phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh để phòng trừ dịch bệnh… Sau khi tham gia lớp tập huấn, hầu hết rau sản xuất đã đảm bảo về chất lượng rau an toàn. Kết quả thử nghiệm một số mẫu rau cho thấy dư lượng thuốc BVTV đều ở mức cho phép. Tuy nhiên, điều khiến không ít người sản xuất rau lo lắng là rau an toàn và rau không an toàn không được phân biệt một cách rõ ràng. Người tiêu dùng không biết đâu là rau an toàn, đâu là rau không an toàn; vì rau an toàn sản xuất ra, thương lái vào tận ruộng mua và đem tiêu thụ lẫn lộn với rau không an toàn. Chính vì vậy, giá rau an toàn và rau không an toàn không chênh lệch nhau, dù đầu tư cho rau an toàn tốn kém hơn. Thực tế này khiến nhiều hộ sản xuất rau an toàn không dám mở rộng đầu tư. Điều này cũng được một số đại diện người tiêu dùng, nhà hàng, khách sạn chia sẻ: Hiện nay, các nhà hàng muốn mua rau sạch nhưng không biết mua ở đâu, vì ở chợ, rau nào cũng như rau nào, khó phân biệt.
Để có thể xây dựng thương hiệu cho rau an toàn, các đại biểu thống nhất, trước hết cần mở rộng và quy hoạch vùng rau an toàn và triển khai gieo trồng theo tính chất chuyên canh, tổ chức tốt khâu tiêu thụ để giúp người nông dân trồng rau an toàn mạnh dạn đầu tư; UBND tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư lâu dài cho vùng sản xuất rau an toàn, xây dựng cho rau an toàn một thương hiệu, tạo động lực thúc đẩy vùng sản xuất rau an toàn phát triển theo hướng bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
N.P