09:12, 14/12/2006

Hàng điện tử giảm giá do tồn kho, lỗi mốt

Việc các siêu thị điện máy đua nhau giảm giá hàng điện tử khiến người tiêu dùng cho rằng cơ hội mua hàng giá rẻ đang đến. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khẳng định đó chỉ là...

Ảnh minh họa

Việc các siêu thị điện máy đua nhau giảm giá hàng điện tử khiến người tiêu dùng cho rằng cơ hội mua hàng giá rẻ đang đến. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khẳng định đó chỉ là chính sách trợ giá một số sản phẩm tại các trung tâm điện máy chứ không có chuyện hàng giảm giá.

Theo ông Yujinatori, đại diện tập đoàn Sanyo một xu hướng rất rõ hiện nay là các trung tâm kinh doanh lớn bán giá rẻ để đánh bóng tên tuổi. Chính vì thế, nhà sản xuất có hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện chương trình chứ không phải là chính sách giảm giá bán lẻ. Mỗi nơi sẽ chọn một số mặt hàng, giảm giá đặc biệt để tạo thành sự kiện bán hàng, thu hút người tiêu dùng.

Phó tổng giám đốc công ty Sony Việt Nam - Trần Quang Phát cũng nhận định: “Việt Nam vào WTO, người tiêu dùng có nhiều sản phẩm, nhãn hiệu để lựa chọn hơn vì mức giảm thuế chủ yếu ảnh hưởng đến hàng nhập nguyên chiếc từ các nước ngoài khu vực ASEAN. Các công ty sẽ phải sản xuất thêm nhiều chủng loại mới, theo tiêu chuẩn toàn cầu”.

Nhưng, nguyên nhân sâu xa hơn, theo ông Vũ Quốc Tuấn - đại diện Công ty Sony Việt Nam - thì vòng đời của các sản phẩm điện máy điện tử ngày càng ngắn, số lượng các nhà cung cấp, các hãng tham gia thị trường ngày càng nhiều, đang khiến cho lượng hàng tồn kho, hàng lỗi mốt nhiều hơn và chu kỳ xuất hiện nhanh hơn.

Ông Nguyễn Quang Huy, trưởng phòng kinh doanh tiếp thị công ty Toshiba nhìn nhận, vào WTO có lợi cho phát triển kinh tế, mang lại nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa với giá rẻ, nhiều chủng loại đối với người tiêu dùng. Nhưng trong tương lai gần, các nhà sản xuất đối diện với cạnh tranh gay gắt hơn.

Đại diện các nhà sản xuất đều có chung nhận định: khu vực Đông Nam Á đang là cứ điểm của nhiều tập đoàn sản xuất lớn, mức thuế suất nhập khẩu của Việt Nam khi gia nhập AFTA đã là 5%, các nhãn hiệu có thể mở rộng dãy sản phẩm để cạnh tranh và giữ thị phần, còn giá chỉ có thể xuống thấp hơn khi sức mua của thị trường tăng cao, sản lượng các nhà máy tại Việt Nam tăng lên.

Theo phân tích của những nhà bán lẻ, nhà sản xuất, hàng giảm giá chủ yếu là mẫu cũ hoặc đã ngưng sản xuất, bị lỗi nhỏ, hàng tồn kho, hoặc do chiến lược riêng của người bán lẻ chấp nhận “bán lỗ” một số mặt hàng nào đó, và cũng là cách giải phóng kho, chuẩn bị cho lô hàng sắp tới.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị