03:12, 02/12/2006

Giá sẽ giảm và tiệm cận mặt bằng thế giới

Các nhà phân tích dự báo rằng mặt bằng giá trong nước sẽ tiếp cận dần với mặt bằng giá thế giới và có thể giảm so với hiện nay do tăng cạnh tranh, giảm độc quyền...

Nếu thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan được thực hiện một lần, ngay năm 2006 số giảm thu thuế nhập khẩu ước khoảng 7,5% so với 2005.

Các nhà phân tích dự báo rằng mặt bằng giá trong nước sẽ tiếp cận dần với mặt bằng giá thế giới và có thể giảm so với hiện nay do tăng cạnh tranh, giảm độc quyền, song đối với từng loại, nhóm hàng hoá - dịch vụ thì diễn biến sẽ khác nhau.

Chẳng hạn, nhóm các mặt hàng hiện do Nhà nước qui định giá hoặc do độc quyền hoặc được bảo hộ thì giá cả sẽ có xu hướng giảm; nhóm hàng hóa hiện đã tự do hóa giá cả song không xuất khẩu mà chủ yếu tiêu dùng trong nước với mức giá thấp hơn giá thế giới thì giá cả có xu hướng tăng; giá cả của nhóm hàng hóa xuất khẩu hiện tương đối thấp so với mặt bằng giá quốc tế có xu hướng ổn định.

Biến động giá cả, lạm phát thực tế sẽ phụ thuộc nhiều vào việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới. Việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở cửa từng bước khu vực tài chính buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) phải dựa nhiều hơn vào cơ chế thị trường trong quá trình hoạt động.

Với khu vực dịch vụ và đầu tư thông thoáng hơn sau hội nhập, công tác điều tiết tỷ giá sẽ phải linh hoạt hơn, nhạy cảm hơn với những biến động trên thị trường hối đoái trong nước và thị trường quốc tế...

Thị trường thêm nhiều thách thức

Sự mở rộng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau khi gia nhập WTO sẽ thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng; các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động.

Tại các địa phương, sự chuyển dịch đất đai từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp thông qua việc hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất...cũng sẽ kéo theo việc dịch chuyển ngành nghề lao động.

Các ảnh hưởng thất nghiệp, đói nghèo hậu WTO có thể không nghiêm trọng nhờ vào số lượng công việc mới được tạo ra, song phân hóa giàu nghèo có xu hướng tăng do khoảng cách thu nhập giữa nhóm lao động có kỹ năng và không có kỹ năng sẽ mở rộng, đặc biệt trong điều kiện có tới 80% lực lượng lao động hiện không qua đào tạo.

Ngoài ra, khoảng cách thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn; giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng sẽ tăng. Đối với lĩnh vực ngân sách Nhà nước, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết, mức cắt giảm khoảng 21,7% so với hiện hành, xuống còn trung bình là 13,4%.

Theo tính toán sơ bộ, nếu việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan được thực hiện một lần, ngay năm 2006 thì số giảm thu thuế nhập khẩu ước khoảng 7,5% so với năm 2005.

Việc gia nhập WTO cũng phần nào tạo áp lực tăng các khoản chi cho giáo dục, đào tạo, y tế và chi tiêu xã hội vì yêu cầu tăng năng suất lao động, cải thiện khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

Tiến trình toàn cầu hóa cũng làm tăng các ảnh hưởng ngoại lai đối với các hạng mục chi cơ bản như giáo dục, đào tạo, y tế, do đó đòi hỏi phải có những cải cách về cơ chế, chính sách để tạo ra các khuyến khích, động cơ đủ để các địa phương thực hiện phân bổ nguồn lực vào các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế theo yêu cầu của nền kinh tế.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, toàn bộ các khoản chi ngân sách Nhà nước dưới dạng cấp vốn, khoanh nợ, xoá nợ, giảm vốn tự có, trợ cấp thay thế nhập khẩu, hỗ trợ xuất khẩu, về mặt pháp lý, phải xoá bỏ. Còn các khoản trợ cấp xuất khẩu nông sản, bao gồm chi trợ cấp trực tiếp, tài trợ cho người sản xuất, trợ cấp giảm chi phí (tiếp thị, giao dịch, vận tải..), tín dụng, bảo lãnh và bảo hiểm xuất khẩu hàng nông sản... sẽ bị cấm.

Tại thị trường dịch vụ tài chính cũng sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh chưa cân sức giữa khu vực tài chính trong nước và khu vực tài chính nước ngoài do chênh lệch về năng lực quản lý, tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ... và đe doạ sự tồn tại và phát triển của khu vực tài chính trong nước, tiềm ẩn nguy cơ bị chi phối bởi khu vực tài chính nước ngoài và hệ quả có thể là nguồn vốn đầu tư chảy ngược ra nước ngoài trong điều kiện nền kinh tế thiếu vốn.

Bên cạnh đó, sự thay đổi cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng nguồn đầu tư gián tiếp cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Việc gia nhập WTO trong bối cảnh hệ thống luật pháp hiện tại còn có khoảng cách so với các cam kết đã ký khi đàm phán cũng có thể đưa đến những hậu quả bất lợi cho khách hàng trong nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Ngành tài chính ứng phó ra sao?

Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững như: tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; tăng cường đầu tư để chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ; cùng với đó là những biện pháp ứng phó với từng lĩnh vực cụ thể.

Đối với lĩnh vực ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định yêu cầu cần xây dựng lộ trình giảm thuế hợp lý để hạn chế những biến động lớn. Để khắc phục những mặt hạn chế, tồn tại và sự không tương thích với thông lệ quốc tế, chúng ta cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các chính sách thuế hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế, giảm mức huy động để khuyến khích phát triển sản xuất và dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với lĩnh vực hải quan, phải rà soát, bổ sung các quy định pháp lý để tuân thủ các quy định của WTO trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của ngành như trị giá, sở hữu trí tuệ, xuất xứ; thực hiện liêm chính hải quan, củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ, phát triển nguồn nhân lực cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về hải quan và quản lý hải quan hiện đại.

Với lĩnh vực giá cả, cần điều hành hệ thống giá mềm dẻo, linh hoạt theo tín hiệu thị trường - nhất là đối với một số ít các mặt hàng Nhà nước còn định giá; đưa hệ thống giá trong nước tiệm cận với giá thị trường thế giới trên cơ sở từng bước thực hiện xoá bao cấp, bù giá, bù lỗ tài chính; tính đúng, tính đủ chi phí sản kinh doanh theo nguyên tắc thị trường.

Đối với thị trường tiền tệ - tín dụng là việc hoàn thiện mô hình tổ chức của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở nâng cao vị thế độc lập tương đối của ngân hàng trung ương; nâng cao hiệu quả sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ gián tiếp cũng như chất lượng và hiệu lực của công tác thanh tra, giám sát theo chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần được cơ cấu lại theo hướng tập trung chủ yếu vào hoạch định chính sách tiền tệ và kiểm soát hoạt động của toàn bộ hệ thống; xây dựng một số ngân hàng trung ương khu vực với chức năng thực hiện hầu hết các nghiệp vụ của mình trên địa bàn. Đồng thời cơ cấu lại và tăng tiềm lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước trên cơ sở nhanh chóng cổ phần hoá, hình thành và phát triển tập đoàn tài chính ngân hàng lớn.

Đối với thị trường chứng khoán, cần mở rộng phạm vi, đa dạng hoá loại hình hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng; tăng cường công tác quản trị công ty, tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro; nghiên cứu ban hành những quy định về quản lý ngoại hối, liên quan đến quy định chuyển tiền ra - vào của người đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán hay việc áp dụng loại hình bảo hiểm đầu tư chứng khoán cho các bên tham gia thị trường.

Đối với thị trường bảo hiểm cần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm; nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý thị trường bảo hiểm, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, triển khai các loại hình dịch vụ mới theo nhu cầu và tiềm năng và từng bước mở rộng khả năng khai thác bảo hiểm trên thị trường quốc tế.

Theo VNECONOMY