Đến các trung tâm mua sắm điện máy ở các thành phố lớn vào những ngày cuối năm, không có gì lạ khi nhìn thấy dòng người đổ xô mua sắm, đặc biệt là ở TP.HCM, vì đây là mùa...
Có lẽ các hãng sản xuất hàng điện máy và các trung tâm không ngờ chiến dịch giảm giá của họ lại thu hút khách hàng đông như thế. |
Đến các trung tâm mua sắm điện máy ở các thành phố lớn vào những ngày cuối năm, không có gì lạ khi nhìn thấy dòng người đổ xô mua sắm, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh (HCM), vì đây là mùa cao điểm, khi các hãng điện máy giảm giá nhằm thu hút người tiêu dùng.
Tuy nhiên cái “không có gì lạ” năm nay lại rất... lạ.
Đó là việc các sản phẩm điện tử, điện lạnh - không chỉ của các hãng với thương hiệu có sức hút bậc trung mà cả những đại gia trên thế giới - đang tranh nhau giảm giá.
Cạnh tranh trong “chiến dịch” giảm giá
Sản phẩm điện, điện tử, điện máy đã giảm giá từ vài tháng trước đây, nhưng “chiến dịch” giảm giá đại qui mô có lẽ chỉ mới bắt đầu từ tuần trước. Một chiếc tivi Toshiba 29 inch-CTV29CZ5 giá trước đây gần 5,8 triệu đồng nay chỉ còn gần 4,3 triệu đồng; một chiếc tivi LCD LG 37 inch-37LC2 cách đây một tuần giá gần 41,5 triệu đồng thì nay chỉ gần 22,8 triệu đồng.
Chưa hết, một chiếc máy giặt Sharp 7,5kg AG750 không ai ngờ giá chỉ gần 4,3 triệu, trong khi trước đó vài ngày họ phải mua đến gần 5,9 triệu đồng.
Không chỉ sản phẩm của những hãng nước ngoài nổi tiếng mà những hãng Việt Nam như REE cũng tham gia giảm giá. Chiếc máy lạnh Reetech RT/RC9H-FH2 trước đây người tiêu dùng phải bỏ ra ít nhất là 4,9 triệu đồng thì này họ chỉ cần 3,8 triệu đồng là có thể mang về nhà lắp trong phòng ngủ hay phòng khách.
Không chỉ các hàng được sản xuất tại Việt Nam giảm giá, mà hàng nhập khẩu cũng tham gia vào vòng xoáy này với tỷ lệ giảm làm nhiều người tiêu dùng không thể “vô cảm”, trung bình từ 40-50%. Chính vì vậy mà có thể các chợ vắng khách, các siêu thị không đông người, nhưng các trung tâm điện máy tại khu vực TP.HCM thì lúc nào cũng nườm nượp người vào ra.
Trung tâm Điện máy Sài Gòn-Nguyễn Kim, một trong những nơi mua sắm điện máy sầm uất nhất TP. HCM trong mấy ngày qua đã phải thường xuyên “phong tỏa” các cửa ra vào của trung tâm vừa mới được mở rộng này, với mục đích hạn chế bớt dòng người đổ vào, mặc dù các nhà quản lý trung tâm đã sử dụng biện pháp phát số thứ tự để việc phục vụ nhanh chóng hơn.
Có lẽ các hãng sản xuất hàng điện máy và các trung tâm không ngờ chiến dịch giảm giá của họ lại thu hút khách hàng đông như thế, dù trước đó vài tuần họ còn lo ngại tình trạng ế ẩm đe dọa hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất bắt đầu từ tháng 10 qua.
Các hãng Sony, LG, Sanyo, Toshiba... lo lắng vì người tiêu dùng có tâm lý chờ khi Việt Nam chính thức tham gia vào WTO giá hàng điện tử sẽ giảm vì thuế nhập khẩu giảm. Trước “sức ỳ” của người tiêu dùng, liên tục các hãng điện tử lớn đang có mặt tại Việt Nam đưa ra những khuyến cáo rằng giá hàng điện tử sẽ không giảm.
Thế nhưng, chỉ sau những lời khuyến cáo này là hàng loạt những cuộc giảm giá ở các trung tâm mua sắm điện máy với sự trợ giúp của các hãng điện tử đại gia như LG, Toshiba, Philipps, Samsung, Sanyo...
Thoả mãn cả hai “dòng” người tiêu dùng
Thị trường điện máy Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng với tốc độ cao và tiềm năng lớn. Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị trường điện máy Việt Nam có hai phân khúc rõ rệt, đó là dòng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu cần thiết của người có thu nhập dưới trung bình và dòng tiêu dùng thay thế với nhu cầu cao hơn của người có thu nhập từ trung bình cao trở lên.
Cả hai dòng này, cũng theo GfK, tạo nên sức tăng trưởng cao của thị trường điện máy. Số liệu của GfK cho biết, chỉ mới có 25-30% số hộ gia đình có tủ lạnh và 10-15% có máy giặt, con số quá thấp so với các nước trong khu vực và đặc biệt là với dân số hơn 80 triệu người Việt Nam.
Với số liệu này, đánh giá của GfK cho rằng nhu cầu mua sắm những mặt hàng điện máy này rất lớn với phân khúc mua sắm thiết yếu. Trong khi đó, 75-80% số hộ gia đình Việt Nam đều có tivi lại tạo ra thị trường thay thế sản phẩm công nghệ cao hơn được cho là có tốc độ tăng trưởng cao hơn bên cạnh thị trường nhu cầu thiết yếu của 20-25% hộ gia đình còn lại chưa có máy thu hình.
Chiến dịch giảm giá mà các hãng điện tử trực tiếp và gián tiếp đang thực hiện khuyến khích cả hai dòng phân khúc, tạo cơ hội cho người tiêu dùng ao ước có một chiếc tủ lạnh hay máy giặt có thể thực hiện ước mơ. Còn những người có thu nhập cao trang bị thêm sản phẩm điện tử, điện lạnh công nghệ mới.
Một chuyên gia của hãng Sony cho biết, chương trình giảm giá rầm rộ đang diễn ra không liên quan gì đến các nhà cung cấp, đó chỉ là “cuộc chiến” của các trung tâm phân phối nhân dịp cuối năm nhằm lôi kéo khách.
Ông nói, Sony không giảm giá bán, các nhà phân phối sử dụng chương trình ưu đãi để khuyến mại, giảm giá. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng với chương trình ưu đãi cho các nhà phân phối, các hãng sản xuất đã gián tiếp giảm giá bán hàng điện máy với mục đích hâm nóng thị trường được cho là “hơi lạnh” từ mấy tháng nay.
Kích cầu tiêu dùng, các hãng điện tử gia tăng hoặc ít nhất ổn định doanh số, tuy nhiên cái được nhiều hơn chính là cơ hội giải phóng lượng hàng lớn hàng điện tử, điện lạnh mà được dự báo sẽ bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu.
Một giám đốc phụ trách marketing của một hãng điện tử tiếng tăm thế giới có mặt tại Việt Nam từng cho biết, Việt Nam gia nhập WTO điều ông lo lắng chính là hàng hóa tồn kho ở các nước sẽ tràn vào Việt Nam. Hàng tồn kho là những hàng hóa có model cũ. Và trong ngành điện tử, điện lạnh, sự thay đổi model diễn ra rất nhanh.
Theo VNECONOMY