Theo báo cáo mới nhất về "Tổng quan kinh tế châu Á 2006" của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 7,8% và con số này được dự báo...
Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức 7,8% trong năm 2006 là được hỗ trợ phần lớn bởi tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu. |
Theo báo cáo mới nhất về "Tổng quan kinh tế châu Á 2006" của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 7,8% và con số này được dự báo là 7,6% cho năm 2007.
Triển vọng phát triển kinh tế
Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức 7,8% trong năm 2006 là được hỗ trợ phần lớn bởi tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu. Tuy xuất khẩu được dự báo là sẽ giảm nhẹ trong năm 2007 nhưng sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu, tiêu dùng và đầu tư hứa hẹn sẽ đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng 7,6% trong năm tới.
Lạm phát đã giảm đáng kể trong năm 2006 nhưng vẫn còn ở mức cao, 6,7% tính đến thời điểm tháng 10.
Xuất khẩu được kích thích bởi sự gia tăng giá xăng dầu và sự phục hồi của mặt hàng dệt may. Động lực tăng trưởng kinh tế đã phản ánh xu hướng bùng nổ gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam với chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng 66,4% với mức vốn hóa thị trường đã lên đến con số ba tỷ USD. Mặc dù đồng USD đã giảm giá so với một số đồng tiền của các nước châu Á, tỷ giá Việt Nam đồng so với đô la vẫn được giữ ổn định trong thời gian gần đây nhằm mục đích kiềm chế lạm phát và làm tăng lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Những rủi ro
Bên cạnh những dấu hiệu lạc quan kể trên thì triển vọng phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam vẫn còn tiếp tục bị đe dọa bởi nhiều rủi ro tiềm ẩn. Những rủi ro được ADB dự báo là:
Thứ nhất, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và một số bạn hàng lớn của Việt Nam sẽ làm giảm sản lượng xuất khẩu trong năm tới.
Thứ hai, sự thiếu linh hoạt của tỷ giá VND sẽ dẫn đến việc khó khăn trong điều chỉnh để đối phó với tình trạng căng thẳng và mất cân đối trong cán cân thanh toán toàn cầu.
Hơn nữa, lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ WTO sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước và sẽ làm xấu cán cân mậu dịch của Việt Nam. Và cuối cùng dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục là một mối hiểm họa đe dọa nền kinh tế.
Xu hướng chính sách
Ở Việt Nam, chính sách tiền tệ được duy trì theo hướng giữ ổn định lãi suất danh nghĩa và làm giảm giá nhẹ VND so với USD. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã giới hạn tăng trưởng tín dụng ở mức 25% vì lý do lạm phát vẫn còn ở mức cao. Hơn nữa, việc thắt chặt tiền tệ được đánh giá là cần thiết để kiềm chế lạm phát và giữ cho áp lực của tăng trưởng kinh tế nằm trong tầm kiểm soát.
Trong chính sách tài khóa, thâm hụt ngân sách ước tính khoảng 2% GDP trong năm 2006. Tuy nhiên, các khoản cho vay trực tiếp từ các ngân hàng thương mại quốc doanh cho các dự án nằm ngoài dự toán ngân sách có thể sẽ tác động xấu đến tính ổn định của tình hình tài khóa.
Trong khi đó, các điều khoản về cải cách ngân hàng và chứng khoán sẽ được nới lỏng để phù hợp với luật lệ WTO và góp phần phát triển thị trường tài chính. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn đang tiếp diễn với việc phát hành trái phiếu của Vietcombank nhằm chuẩn bị cho đợt phát hành lần đầu ra công chúng. Chính phủ cũng đã thực thi các chương trình nhằm làm giảm thiểu hậu quả của các thảm họa thiên nhiên, dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng.
Tăng trưởng kinh tế của đa số các nước trong khu vực Đông Á đều được ADB dự báo là có xu hướng giảm nhẹ trong năm 2007, trung bình khoảng 4,4% so với 4,9% của năm 2006. Trong đó, Trung Quốc được báo sẽ tăng trưởng 9,5%, Thái Lan là 4,5%, Philippines và Singapore là 5,3%.
Theo Tuổi Trẻ