Xuất khẩu của năm 2006 xuất hành với tốc độ cao, càng về cuối năm càng lớn, cả năm ước đạt tỷ 39,7 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm trước...
Xuất khẩu của năm 2006 xuất hành với tốc độ cao, càng về cuối năm càng lớn, cả năm ước đạt tỷ 39,7 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm trước.
10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đã bằng cả năm 2005, đến 11 tháng chỉ còn cách kế hoạch 3,9%.
Bình quân mỗi tháng trong năm 2006, Việt Nam xuất khẩu được 3,3 tỷ USD, hơn kim ngạch cả năm 1993. Nhập khẩu ước đạt 44,8 tỷ USD tăng 22 %so với năm trước, song do tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trong năm luôn cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của nhập khẩu, nên tỷ lệ nhập siêu năm 2006 chỉ còn 12,8%, thấp nhất từ trước tới nay.
Năm 2006, có 10 diễn biến ấn tượng trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.
1. Vượt qua tập tục "tháng giêng là tháng ăn chơi", guồng máy xuất nhập khẩu vận hành trơn tru từ đầu năm, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Tuất, các cửa khẩu phía Bắc vẫn nhộn nhịp, lần đầu tiên - quý I/2006 cán cân thương mại đã cân bằng.
Nhập siêu chỉ lộ diện từ quý II, tất nhiên vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Đáng chú ý là tỷ lệ nhập siêu giảm song vẫn nhập khẩu được công nghệ nguồn, kỹ thuật mới, công nghệ tiềm năng - đồng nghĩa với việc nền kinh tế được tăng cường sức vóc.
2. Một năm ghi nhận nhiều kỷ lục. Thủy sản vượt qua khó khăn về nguyên liệu và việc kiểm tra gắt gao dư lượng chất kháng sinh, còn da giày vấp phải thuế chống bán phá giá, song do tạo mặt hàng mới, chuyển sang thị trường khác; đầu tư chiều sâu... 11 tháng đã "dắt tay nhau" vượt qua ngưỡng 3 tỷ USD.
Cao su luôn đứng đầu bảng về tốc độ tăng trưởng từ đầu năm đến nay, lần đầu tiên gia nhập Câu lạc bộ 1 tỷ USD. Chè, "e ấp" lần đầu tiên qua ngưỡng 100 triệu USD (thực tế là 110 triệu USD, khiến ngành chè đặt mục tiêu năm 2010 là 190 triệu USD).
3. Các địa phương có mức tăng cao đều có những nỗ lực riêng. Hải Phòng lần đầu tiên đạt ngưỡng 1 tỷ USD (1,024 tỷ USD), tăng 24,8% so với năm 2005. Thanh Hóa do các doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với các đối tác sớm hơn mọi năm và số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng tăng thêm. Hà Tây mở hội chợ làng nghề động viên sức sáng tạo của nghệ nhân hướng về xuất khẩu. Vĩnh Phúc do tìm thêm nhiều thị trường mới cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nông lâm sản. Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nhỏ lẻ như tháp gió, da thuộc. Hòa Bình, đã tận thu dưa chuột, gừng củ, lá ớt để xuất khẩu. Kiên Giang lần đầu tiên công ty nông lâm sản của địa phương xuất khẩu được dừa khô. Quảng Nam chỉ 10 tháng đã vượt cả năm 2005, còn cả năm tăng 33% so với năm ngoái.
4. Từ xu hướng coi giao hàng xong, thu được tiền là thoả mãn, nay đã tiến tới chủ động tiếp cận với các kênh phân phối hàng trong thị trường nước ngoài - chăm lo khách hàng của mình, tạo khả năng phát triển xuất khẩu bền vững.
Tập đoàn gỗ Trường Thành từng phải xuất hàng qua trung gian, nay đã tiếp cận các nhà bán sỉ và hệ thống các nhà phân phối ở nước ngoài, trực tiếp đưa hàng vào đồng thời với việc đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống chất lượng ISO, thuê chuyên gia nước ngoài thiết kế mẫu mã nên tăng trưởng ngoạn mục.
5. Năm đầu tiên thực hiện đổi mới về giải pháp và điều hành dài hạn đối với Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia theo Quyết định số 279 ngày 3-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm để: doanh nghiệp dễ tiếp cận với Chương trình; đơn giản hoá thủ tục thanh toán; cơ quan chủ trì chương trình linh hoạt hơn trong việc xây dựng và điều chỉnh các hạng mục trong chương trình; cơ quan quản lý kiểm soát nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho xúc tiến thương mại.
Trên tinh thần đó, nhiều hạng mục được thực hiện với sắc thái mới và lần đầu tiên Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm sau (2007) đã được phê duyệt từ năm trước (năm 2006). Từ thực tiễn tổ chức "Ngày Việt Nam ở nước ngoài", Chính phủ đã quyết định tổ chức hình thức này hàng năm nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam.
6. Dung lượng buôn bán với các thị trường có những mốc tròn trĩnh. Trong mạch tăng trưởng chung của các khu vực thị trường: trọng điểm, truyền thống, láng giềng..., đều có mức tăng đáng khích lệ, nổi lên kim ngạch mậu dịch hai chiều Việt -Trung đạt 10 tỷ USD, còn Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 1 tỷ USD.
Cũng là mạnh dạn vươn tới các thị trường xa, nhưng Công ty TNHH quốc tế Tập đoàn Kim Đỉnh đã có bước đi độc đáo, lần đầu tiên có hợp đồng 1 triệu USD với Tập đoàn CADAFE, bán thiết bị chiếu sáng đô thị, pin năng lượng mặt trời, hàng trăm xe sửa chữa điện, phục vụ cho dự án xây dựng đại lộ Bolivia của Venezuela.
7. Chủ động ban hành cơ chế xuất nhập khẩu phù hợp với định chế của WTO, trước thời điểm gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu này, đó là Nghị định 12 ngày 23-1-2006 về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh, chuyển khẩu với nước ngoài - cơ chế dài hạn nhất từ trước tới nay, tạo sự ổn định trong điều hành xuất nhập khẩu và giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược, và trong đó sôi động từ 1-5 cho phép nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng. Động thái này cho người "tậu xe" có nhiều sự lựa chọn và tạo lực cạnh tranh mới cho thị trường ôtô Việt Nam theo hướng tích cực.
Rồi lần đầu tiên có Nghị định 19 ngày 20-2-2006 về xuất xứ hàng hoá để hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan được áp dụng theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia.
8. Lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo được ban hành vào thời điểm dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa các tỉnh phía Nam không chỉ gây thất thu trên diện rộng vụ lúa vừa qua mà còn đe dọa vụ tới. Do vậy, tác động của cơn sốt gạo thế giới đẩy giá lúa trong nước, đặc biệt là khu vực phía Nam lên cao, đã nhanh chóng "hạ nhiệt" và an ninh lương thực đã không còn bị đe dọa.
Khi "trật tự" được vãn hồi, đã có sự nới lỏng cho những hợp đồng đến hạn giao hàng và tàu cập cảng. Lượng gạo xuất khẩu tuy không đạt chỉ tiêu song chẳng ảnh hưởng đến kim ngạch vì càng cuối năm giá bán càng được cải thiện, hơn thế nữa việc hạ sốt giá gạo ít nhiều đã góp phần giữ chỉ số tăng trưởng giá chung cả năm đạt mục tiêu thấp hơn mức tăng trưởng GDP và thấp hơn năm 2005.
9. Sự bứt phá của một số hàng nhỏ lẻ, tuy hiện còn ẩn danh trong nhóm các mặt hàng khác như sản phẩm từ gang thép, từ cao su, từ sắn và máy biến thế nhưng kim ngạch cao hơn lạc nhân - mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Điều này khẳng định sự đúng đắn của chủ trương chú trọng phát triển những mặt hàng trước mắt còn nhỏ song còn tiềm năng về sản xuất, chưa bị giới hạn về thị trường xuất khẩu và gần như không chịu rào cản..., để chọn các gương mặt vào "Đội tuyển xuất khẩu quốc gia".
10. Cổng Thương mại điện tử Quốc gia (ECVN) mới tròn 1 tuổi vào tháng 8-2006, đã trở thành sàn giao dịch thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, địa chỉ tin cậy của nhiều doanh nghiệp. Đến cuối năm 2006 đã có 1.500 thành viên tham gia, tạo ra khoảng 5.000 cơ hội kinh doanh hàng hoá - dịch vụ.
Theo VNECONOMY