Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Udo Loersch, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), xung quanh câu chuyện cạnh tranh giữa xe sản xuất trong nước...
Việc Việt Nam chính thức mở cửa thị trường ôtô - xe máy từ 2009 sẽ có những tác động đáng kể lên ngành công nghiệp ôtô trong nước.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Udo Loersch, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), xung quanh câu chuyện cạnh tranh giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu.
Từ năm 2009 Việt Nam sẽ mở cửa cho lĩnh vực phân phối, theo đó các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ được phép thành lập để phân phối các sản phẩm ôtô tại thị trường Việt Nam. Theo ông, các nhà sản xuất trong nước phải làm gì để cạnh tranh tốt?
"Việc giảm giá xe trong nước sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực thuế quan." |
Như quý vị đã biết, sự cạnh tranh giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và xe lắp ráp trong nước đã diễn ra từ năm 2004, khi các doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập xe. Quyết định cho phép các công ty FDI nhập và phân phối xe tại thị trường trong nước là một trong những bước thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Theo ý kiến riêng của tôi, việc chuyên môn hóa sản xuất, đồng thời củng cố mạng lưới bán hàng và hậu mãi sẽ là hai hướng chính của các nhà sản xuất ôtô trong nước trong việc cạnh tranh với xe CBU.
Theo ông, ôtô nhập khẩu có những lợi thế hay bất lợi gì so với xe do các doanh nghiệp thuộc VAMA sản xuất?
Giá xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thuế và chính sách liên quan đến ôtô. Nếu như xe nhập khẩu nguyên chiếc có giá thấp hơn xe nội địa tương đương thì có lẽ phải có một vấn đề nào đó không hợp lý.
Do đó, việc giảm giá xe trong nước sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là lĩnh vực thuế quan. Về điều này, các nhà sản xuất có thể tạm thời yên tâm về dài hạn, bởi theo lộ trình thực hiện các cam kết gia nhập WTO, các chính sách sẽ được thay đổi theo hướng có lợi cho ngành. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ chỉ có tác động tích cực khi chính các doanh nghiệp cố gắng trong sản xuất.
Còn về vấn đề chất lượng xe, thật không dễ đưa ra ý kiến trong việc so sánh giữa xe nhập khẩu với xe lắp ráp trong nước bởi chủng loại xe quá đa dạng.
Nhưng nhìn chung, tôi có thể nói rằng xe được sản xuất bởi các thành viên VAMA tuân theo quy trình rõ ràng từ khâu sản xuất đến giao xe cho khách hàng, vì thế chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát được. Xe sản xuất trong nước thường có số lượng nhiều trên mỗi chủng loại xe, vì thế dịch vụ bán hàng, hậu mãi và phụ tùng luôn luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng hơn. Đó chính là một lợi thế lớn.
Giá của các loại xe nhập khẩu (chủ yếu là xe sang trọng) cũng chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn so với các loại xe cùng đẳng cấp của Việt Nam. Là một thương hiệu xe sang trọng tại Việt Nam, liệu Mercedes-Benz Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Ở rất nhiều quốc gia, Mercedes-Benz rất thành công trong cả hai lĩnh vực: nhập khẩu và sản xuất trong nước. Ví dụ ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia, thị phần xe Mercedes-Benz sản xuất nội địa luôn luôn giữ vai trò quan trọng, vì thế tôi tin rằng, ngôi sao ba cánh sẽ luôn lấp lánh trên khắp nẻo đường Việt Nam. (Cười)
Chắc chắn việc Việt Nam mở cửa cho thị trường ôtô sẽ gây những khó khăn nhất định cho các nhà sản xuất trong nước. Từ nay đến thời điểm đó còn 2 năm, theo ông đây là khoảng thời gian ngắn hay dài? Khoảng thời gian này có đủ để VAMA chuẩn bị để trở thành một đối trọng với xe nhập khẩu?
Như đã đề cập ở trên, xe nhập khẩu nguyên chiếc đã thực sự được phép nhập khẩu trên 2 năm, do đó chúng ta không nên thảo luận là đủ hay không đủ thời gian để chuẩn bị cho thời điểm đó.
Quý vị cũng biết rằng hầu hết các thành viên VAMA là công ty FDI có các công ty mẹ hoặc đối tác là những công ty ôtô hàng đầu thế giới. Tôi tin quyết định cho phép các doanh nghiệp FDI phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng sẽ giúp các công ty thành viên VAMA có khả năng tham gia kinh doanh toàn bộ các sản phẩm do công ty mẹ hay đối tác toàn cầu cung cấp. Điều này sẽ góp phần mang lợi ích đến khách hàng Việt Nam.
Theo VNECONOMY