08:11, 19/11/2006

Thị trường điện tử - điện lạnh hậu WTO

Theo biểu thuế  cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, thuế các sản phẩm chủ đạo của ngành điện tử điện lạnh như: ti vi, điều hòa, máy giặt… nhập khẩu nguyên chiếc...

Ảnh minh họa

Theo biểu thuế  cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, thuế các sản phẩm chủ đạo của ngành điện tử điện lạnh như: ti vi, điều hòa, máy giặt… nhập khẩu nguyên chiếc sẽ giảm từ 50% và 40% xuống còn 40% và 38%. Nhưng không thể nghĩ ngay rằng việc giảm thuế đồng nghĩa với giảm giá?

* Không có chuyện giảm giá

Người trong cuộc đều hiểu: Việt Nam đã vượt qua cuộc cạnh tranh khốc liệt về thuế đối với các mặt hàng điện tử điện lạnh từ 2 năm trước đây, khi bắt đầu thực hiện các cam kết AFTA. Và theo đó, thuế nhập khẩu nguyên chiếc đang được áp dụng cho các mặt hàng điện tử, điện lạnh là 5,2%. Ví dụ như 1 chiếc điều hòa giá 100 USD thì khi nhập  từ Thái Lan (một nước ASEAN có cam kết AFTA) về VN sẽ có giá 105,2 USD, trong khi nếu nhập  từ một nước châu Âu hoặc châu Mỹ về sẽ có giá 140 USD. Vậy một nhà nhập khẩu sẽ nhập hàng từ nước nào về để bán? Câu trả lời đã rõ ràng từ lâu; thứ nhất: cả thế giới đang dùng hàng điện tử của các nhà sản xuất châu Á, các nhãn hiệu tên tuổi bây giờ cũng đều là thương hiệu châu Á. Thứ hai: cước vận chuyển từ những nước sát sườn chỉ bằng một phần mười khi so sánh với chi phí chuyển hàng từ bên kia châu lục. Đó cũng là thực tế,  hầu hết các sản phẩm nhập nguyên chiếc về Việt Nam chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan, Inđônêxia và Trung Quốc, và tất cả đều đã có chỗ đứng trên thị trường. Một yếu tố khác, Trung Quốc và toàn khối ASEAN đã có hiệp định thương mại riêng với mức thuế suất áp vào hàng điện tử điện lạnh, mức thuế này hiện nay thấp hơn nhiều so với mức thuế được áp dụng cho các thành viên WTO. Như vậy, hàng điện tử, điện lạnh hiện có trên thị trường Việt Nam trước mắt cũng như trong vài năm tới có thể gọi là “miễn dịch” với cơn lốc giảm thuế thời “hậu  WTO”. Hàng điện tử nhập khẩu sẽ giảm giá, nhưng chỉ  những sản phẩm nhập từ  Âu, Mỹ. Anh Cao Xuân Hải - đại diện kinh doanh của Tập đoàn LG cho biết: “Hai khái niệm giảm thuế nhiều và giảm giá là hoàn toàn khác nhau. Thị trường điện tử điện lạnh của Việt Nam nói chung đã mở  cửa và đứng vững từ khá lâu rồi, cụ thể hơn là khi Việt Nam tham gia AFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN). Một bằng chứng chính là các hãng điện tử danh tiếng thế giới như LG, Sony, Panasonic, Samsung, Toshiba… đã có mặt trên thị trường VN và hiện vẫn đang tiếp tục cạnh tranh bình đẳng. Đó chính là hội nhập chứ đâu cần đợi đến WTO”.

* Các liên doanh không gặp khó khăn

Những tên tuổi lớn của hàng điện tử điện lạnh như LG, Samsung, Sony, Panasonis, Toshiba… đều đã có mặt ở Việt Nam, đã khẳng định được vị trí của mình trên thị trường. Vì là những liên doanh  nên đối với  họ WTO không còn xa lạ và họ đã đón chờ cơ hội này với một tư thế sẵn sàng từ khá sớm. Không phải ngẫu nhiên mà từ cuối năm 2005 đến nay, các nhà sản xuất lại tung ra thị trường Việt Nam nhiều model mới đến vậy? Không chỉ là cuộc đua về giá cả và  công nghệ, đây có thể được xem là một bước “đi tắt đón đầu” của họ. Lợi thế về ưu đãi đầu tư cũng như giá nhân công rẻ là điều mà bất cứ nhà sản xuất lớn nào cũng biết đến và đương nhiên là họ tận dụng “ưu  điểm” này một cách triệt để. Đông Nam Á được xem là  một trong những “mảnh đất màu mỡ” hội tụ cả 2 ưu điểm này, và chẳng có gì ngạc nhiên khi Đông Nam á được xem là nơi có nhiều nhà máy của các tập đoàn sản xuất điện tử điện lạnh nhất. Nhật Bản và Hàn Quốc - hai người láng giềng hiểu rõ điều này hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Trước kia, để tiếp cận được với những sản phẩm mới, công nghệ mới, hầu hết người tiêu dùng đều phải trông chờ  từ nguồn hàng “xách tay” hoặc đặt mua từ chính hãng. Còn hiện nay, ranh gới này dường như đang ngày càng ngắn lại  và có cơ hội bị xóa bỏ trong một tương lai không xa, sự phân biệt về địa lý không còn ý nghĩa nữa.

Có lẽ chưa có khi nào người tiêu dùng lại được chứng kiến sự ra mắt ồ ạt của hàng loạt sản phẩm cao cấp LCD và Plasma trên thị trường Việt Nam như thời điểm này. Chỉ trong quý II và quý III năm nay, LG đã cho ra mắt thị trường hơn 10 sản phẩm LCD và Plasma với đầy đủ các tầm: 23, 26, 32, 37, 42, 50, 60 và cả chiếc Plasma 71 inchs lớn nhất Việt Nam. Sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến Time Machie - chiếc ti vi nổi đình nổi đám ở châu Âu mùa World Cup vừa qua cũng đã kịp thời đổ bộ. Sự đa dạng về mẫu mã và công nghệ mới tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua đủ để cho thị trường Việt Nam đã và đang “sánh vai” với các thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Vậy, người tiêu dùng còn mong điều gì hơn thế? Đặc biệt hơn, khi môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài như thế đã “dễ thở” hơn, thì các tập đoàn lớn này lại càng có lợi thế. Chiến lược lâu dài, khả năng vượt trội về công nghệ, cùng với lợi thế về sự am hiểu và thích nghi với thị trường… Chính là những nguồn lực không gì có thể so sánh được.

* Các doanh nghiệp trong nước không dễ  “vượt vũ môn”

Ngược lại với bức tranh sôi nổi và sinh động của khu vực doanh nghiệp điện tử có vốn đầu tư nước ngoài là một bức tranh không mấy sáng sủa của các doanh nghiệp trong nước. Tại sao lại như vậy? Công nghệ của các doanh nghiệp đang ở “cấp độ” nào? Khả năng tài chính đến đâu? Sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ - ban - ngành đem lại lợi thế gì? Họ đã sẵn sàng để “lao” ra biển lớn WTO hay chưa?

Trả lời được những câu hỏi này thật không đơn giản với các doanh nghiệp trong nước, khi mà ngay chính trong thời điểm còn được bảo hộ, còn được dìu dắt, họ đã không tự mình đứng lên! Sự cạnh tranh khốc liệt của WTO không nhiều “màu hồng” cho những doanh nghiệp còn non, kém. Vậy đâu là lối thoát? Ngành Công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa  thật sự phát triển. Bắt tay với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay tự mình “bơi” ra biển lớn? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.

* Người tiêu dùng được lợi

Với bất cứ mặt hàng nào, càng có sự cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ càng được lợi.  Chứng kiến cuộc đua của các nhà sản xuất điện tử điện lạnh từ đầu năm đến nay, hẳn những ai quan tâm đến thị trường này đều nhận thấy rõ thị trường Việt Nam không hề thiếu vắng những sản phẩm “tên tuổi”. Vierra rồi Bravia, và mới đây là Time Machie - những cái tên vô cùng quen thuộc đối với dòng sản phẩm tivi cao cấp trên thị trường thế giới cũng không còn là những cái tên mới lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Một thực tế không thể phủ nhận là giá của mặt hàng này, hiếm có sản phẩm nào trong thời gian  ngắn lại  có thể giảm giá nhiều đến như vậy. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì thị trường tivi cao cấp tại Việt Nam trong gần 1 năm qua đã giảm mạnh, có model giảm tới 30%, thậm chí  là 50%, mức giảm không thể hơn được nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm cao cấp hơn.

Có thể nói, bức tranh toàn cảnh của thị trường điện tử, điện lạnh Việt Nam không nằm ngoài dự đoán của các nhà hoạch định. Một sự bình ổn lâu dài có chuẩn bị, sự nở rộ đa dạng và tiếp tục khẳng định của các nhà sản xuất danh tiếng… Mùa mua sắm đã bắt đầu, WTO hay hậu WTO hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người tiêu dùng.

Theo HNM