Có nhiều yếu tố đang cộng hưởng để định hình một làn sóng tăng lãi suất mới vào thời điểm cuối năm. Quy mô của làn sóng này phụ thuộc nhiều vào tình trạng “sức khỏe” của các ngân hàng...
Có nhiều yếu tố đang cộng hưởng để định hình một làn sóng tăng lãi suất mới vào thời điểm cuối năm. Quy mô của làn sóng này phụ thuộc nhiều vào tình trạng “sức khỏe” của các ngân hàng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại quốc doanh tăng cường quản lý vốn khả dụng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thanh khoản, chi trả trong những tháng cuối năm 2006 và đầu năm 2007.
Theo đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh cần tăng cường công tác quản lý vốn khả dụng, chủ động cân đối các nguồn vốn, khai thác tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư và trên thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thanh toán chi trả cho khách hàng.
Có thể hiểu công văn trên là tín hiệu về một không khí sôi động trên thị trường tiền tệ vào thời điểm cuối năm và đón Tết. Trong đó, không khí lo ngại là một nét chính.
Nhiều hợp đồng sẽ tập trung đáo hạn vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là lượng tiền giải ngân cho các khoản tiền gửi, phục vụ nhu cầu mua sắm của dân cư tăng cao trong dịp này. Dự tính, lượng tiền chảy ra khỏi các ngân hàng sẽ tăng cao hơn mức bình thường, ít nhất là 30%.
Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của giới doanh nghiệp để tăng nguồn hàng phục vụ Tết cũng sẽ là một áp lực giải ngân.
Các ngân hàng đang bước vào thời điểm chi ra nhiều hơn huy động. Và nếu tình hình “sức khỏe” không đáp ứng được, phải đi ngược gió và phải tăng lãi suất huy động để cân đối.
Trong tình thế đó, chỉ riêng các ngân hàng quốc doanh không đủ sức thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ; công văn của Ngân hàng Nhà nước cũng đã bật đèn xanh rằng sẽ hỗ trợ trong trường hợp ngân hàng đó đã khai thác mọi nguồn vốn mà vẫn thật sự khó khăn về thanh khoản. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần, tăng lãi suất là giải pháp thường thấy.
Có một sức ép khác để tăng lãi suất, thực tế hơn và tập trung vào lãi suất huy động USD. Đó là khi thị trường ngân hàng bước vào mùa kiều hối. Con số 4 tỷ USD kiều hối của năm nay, dù là từ những dự báo không chính thức, nhưng đang là tâm điểm chú ý của các ngân hàng thương mại: Phải làm sao để nguồn vốn đó chảy về phía mình? Và tăng lãi suất lại được đặt ra như một lực hút hấp dẫn nhất.
Hiện tại, ngoài những điều kiện nội tại của mỗi ngân hàng, lực cản lớn nhất trên thị trường đối với làn sóng tăng lãi suất là trần thỏa thuận giữa các ngân hàng. Thỏa thuận này áp dụng với loại tiền gửi VND. Nhưng, trên thực tế tình trạng “xé rào” đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở khối thương mại cổ phần.
Đối với các ngân hàng quốc doanh, ngoại trừ Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), trần thỏa thuận lãi suất tương đối được đảm bảo, thậm chí vẫn có dư một khoảng cách nhất định. Rất có thể khoảng cách đó (dư khoảng 0,02%/tháng kỳ hạn 6 và 12 tháng so với trần) sẽ được dùng nốt cho lần tăng vào dịp cuối năm nay.
Còn với lãi suất USD, không thuộc diện thỏa thuận trần, mức tăng dự báo sẽ lớn hơn. Hiện lãi suất huy động đã phổ biến trên 5% ở kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay đầu ra trung, dài hạn ở khoảng 6% - 7,8%.
Theo VNECONOMY
|