Việc trở thành thành viên WTO có những tác động mạnh đến giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước năm 2007. Định hướng điều hành giá trong bối cảnh mới này đã được Chính phủ...
Ảnh minh họa |
Việc trở thành thành viên WTO có những tác động mạnh đến giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước năm 2007. Định hướng điều hành giá trong bối cảnh mới này đã được Chính phủ bàn và thống nhất các nguyên tắc và biện pháp lớn.
Xóa bao cấp đối với một số ít mặt hàng Nhà nước còn định giá
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, định hướng điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ năm 2007 (đã được Chính phủ thảo luận trong phiên họp hôm 2-11) : Bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát, khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật để tăng hiệu quả, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính phủ đồng ý đẩy nhanh tiến trình xóa cơ chế bù lỗ, bù giá đối với một số ít mặt hàng Nhà nước còn định giá. Không bù lỗ giá xăng, giảm mạnh bù lỗ giá dầu.
Riêng than cung cấp cho phát điện sẽ từng bước điều chỉnh giá phù hợp với khả năng chấp nhận được của giá điện để tiến tới thống nhất một giá bán than theo giá thị trường cho tất cả các hộ tiêu thụ than.
Sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh hợp lý giá bán điện, không bao cấp tràn lan (đưa giá điện trong nước tiệm cận với giá thị trường thế giới).
Những hàng hóa, dịch vụ độc quyền và hàng hóa, dịch vụ quan trọng mà tính cạnh tranh đang hạn chế (như: Điện, xăng dầu, vận chuyển hàng không nội địa, cước viễn thông…) thì căn cứ vào giá trị hàng hóa (mà cụ thể là căn cứ vào chi phí sản xuất , chi phí lưu thông và các nghĩa vụ tài chính phải nộp theo luật định được tính đúng, tính đủ theo quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành…
Riêng hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đặt hàng phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, thực hiện chính sách xã hội đang còn được trợ giá thì từng bước chuyển từ định giá sang cơ chế đấu thầu, đấu giá.
Khuyến khích cạnh tranh về giá
Mục tiêu của Chính phủ là đưa hệ thống giá trong nước tiệm cận với giá thị trường. Các mặt hàng nhạy cảm, Nhà nước không còn định giá (như: Sắt thép, xi măng, phân bón, lúa gạo, cà phê, chè, cao su, sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản, hàng tiêu dùng…) sẽ áp dụng kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Tất cả những hàng hóa dịch vụ còn lại được khuyến khích cạnh tranh về giá theo quy định của pháp luật thì giá do người mua và người bán thỏa thuận.
Giá đất sát giá thị trường
Hai trong 6 biện pháp chính để bình ổn giá năm 2007 được xác định là Điều hành mặt bằng giá và quyết liệt đổi mới công nghệ. Theo đó, thực hiện tính đúng, tính đủ theo cơ chế giá thị trường đối với giá trị đất đai, tài nguyên và các nguồn lực đưa vào sử dụng để xóa bỏ bao cấp cho một số ít hàng hóa dịch vụ còn có giá bao cấp do Nhà nước định giá.
Tiếp tục chỉ đạo các địa phương quy định giá đất cho năm 2007 bám sát nguyên tắc sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường.
Đồng thời các bộ quản lý Nhà nước về sản xuất kinh doanh tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành có các biện pháp quyết liệt đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chống lãng phí, giảm chi phí sản xuất và lưu thông, khắc phục khó khăn do giá đầu vào tăng để kiềm chế tăng giá đầu ra giúp bình ổn thị trường.
Trong trường hợp thị trường có biến động bất thường (trước hết là các hàng hóa dịch vụ quan trọng, thiết yếu) giá tăng quá cao bất hợp lý mới áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá.
Theo Tiền phong