10:11, 28/11/2006

Ì ạch đầu tư xây dựng cơ bản

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, Khánh Hòa là địa phương nằm trong nhóm đạt tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thấp nhất nước. Trong khi ở hầu hết các tỉnh, thành trung tâm...

Đường vào khu du lịch Ba Hồ (Ninh Hòa) - một công trình cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, Khánh Hòa là địa phương nằm trong nhóm đạt tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thấp nhất nước. Trong khi ở hầu hết các tỉnh, thành trung tâm lớn, kể cả một số địa phương miền núi tỷ lệ này rất cao, có nơi đạt xấp xỉ 97% thì Khánh Hòa chỉ khiêm tốn ở mức 55,88%.

° Tiến độ “rùa bò”

Năm 2006, lĩnh vực đầu tư XDCB đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về phân cấp quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương, chính quyền cơ sở chủ động trong việc lựa chọn, quyết định đầu tư những công trình trọng điểm, thiết thực. Trong năm đã có nhiều công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu bức xúc trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… của người dân địa phương.

Tuy nhiên, đây cũng là năm mà các dự án triển khai thực hiện chậm đến mức “kỷ lục”, khối lượng thực hiện thấp dẫn đến khối lượng cấp phát qua kho bạc cũng ở mức rất thấp. Số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, 10 tháng năm 2006, khối lượng thực hiện XDCB trong toàn tỉnh đạt 525 tỷ đồng, so với kế hoạch ở cấp tỉnh chỉ đạt 56%, cấp huyện đạt 54,45%. Cụ thể ở phần vốn tỉnh quản lý: Nguồn XDCB tập trung thực hiện đạt 112 tỷ đồng, nguồn cấp quyền sử dụng đất 126 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung có mục tiêu thực hiện đạt 26,9 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn vay 120 tỷ đồng cho 5 dự án thì hiện nay chỉ có 2 dự  án hoàn thành thủ tục, đã vay 93 tỷ đồng, nhưng thực tế khối lượng thực hiện chỉ đạt 9,5 tỷ đồng. Đối với nguồn trái phiếu Chính phủ, khối lượng thực hiện đạt 84,4 tỷ đồng. Đặc biệt ngay cả nguồn vốn chuyển từ năm 2005 sang, khối lượng thực hiện cũng chỉ đạt hơn 13,8 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch.

Về phần vốn cấp huyện quản lý, khối lượng thực hiện đạt 152 tỷ đồng, bằng 54,45% kế hoạch, cấp phát được 74 tỷ đồng, bằng 26,45% kế hoạch.

Chính việc triển khai chậm các dự án XDCB đã dẫn đến hậu quả hàng loạt công trình giẫm chân tại chỗ, trong đó có nhiều dự án cấp thiết như xây dựng trường học, bệnh viện, giao thông thủy lợi, hạ tầng cơ sở các khu tái định cư… 

° Khách quan và chủ quan

Lý giải cho việc “ì ạch” nói trên, Sở KH-ĐT và các địa phương đưa ra một số nguyên nhân. Trước hết, đây là năm đầu tiên thực hiện phân cấp đầu tư cho cấp huyện, xã, cấp cơ sở chuẩn bị chưa tốt việc đón nhận phân cấp đầu tư nên lúng túng. Đây cũng là thời gian đầu thực hiện theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, trong khi đó các văn bản hướng dẫn thực hiện lại chậm ban hành, hoặc hướng dẫn không rõ ràng, chưa sát với thực tế. Chính vì vậy, không riêng gì cấp huyện, kể cả cấp tỉnh cũng bỡ ngỡ, lúng túng, nhiều nơi phải mò mẫm làm, vừa làm vừa điều chỉnh. Sở KH-ĐT đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương, các Ban quản lý để lấy ý kiến, tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đầu tư XDCB ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt nên không dám làm liều, làm ẩu như trước đây. Và vấn đề muôn thuở vẫn là công tác đền bù giải tỏa, nhất là gần đây, các chủ trương, chính sách áp dụng đối với việc đền bù, giải tỏa luôn quan tâm đến quyền lợi thỏa đáng của người dân, trong đó có cả việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nông dân khi bị thu hồi đất… Bên cạnh đó, thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng còn kéo dài chưa đúng với thời hạn quy định do năng lực các đơn vị tư vấn trên địa bàn tỉnh còn yếu, dẫn đến chất lượng hồ sơ chưa cao; năng lực của các chủ đầu tư, tư vấn quản lý dự án chưa đạt yêu cầu.

Thế nhưng, nếu cứ “đổ” cho nguyên nhân khách quan thì chưa thỏa đáng, vì thử hỏi cả nước đều thực hiện theo quy chế mới chứ không riêng gì Khánh Hòa mà tại sao họ vẫn giữ được “phong độ” như trước, trong khi chúng ta ngày càng ì ạch. Chính ông Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp đánh giá về công tác XDCB năm 2006 đã nói: “Nếu nói tiến độ XDCB chậm là do ở cấp huyện đội ngũ cán bộ kỹ thuật, tư vấn yếu và thiếu thì sao ở cấp tỉnh, ở các ban quản lý có đầy đủ năng lực cũng không khá hơn?”

Ở đây cần nghiêm túc nhìn nhận, chính yếu tố chủ quan là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “rùa bò” như trên. Phải thấy rằng sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác thẩm định, xem xét hồ sơ thủ tục còn nhiều hạn chế, thiếu tính sáng tạo và quyết đoán.

° Những bài học cần rút kinh nghiệm

Không thể để tình trạng tiến độ đầu tư XDCB chậm trở thành bài ca muôn thuở. Đặc biệt là năm 2007 dự kiến nguồn vốn đầu tư phát triển địa phương là 1.153 tỷ đồng, tăng 13% so với kế hoạch năm 2006, trong đó vốn XDCB tập trung 615,82 tỷ đồng. Hơn nữa, nguồn vốn đầu tư XDCB tập trung tăng đột biến, nhất là nguồn vốn đối ứng của địa phương để thực hiện nguồn vốn ODA, các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án của những tổ chức phi chính phủ.

Tiến độ xây dựng một số công trình trên địa bàn tỉnh diễn ra quá chậm.

Với những lý do trên, ngay từ bây giờ UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương phải gấp rút củng cố bộ máy, cải tiến lề lối làm việc để tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các ban ngành, địa phương trong tất cả các quy trình, thủ tục đầu tư XDCB. Vấn đề cần quan tâm là phải nhanh chóng sắp xếp, bố trí lại bộ máy của các ban quản lý của tỉnh, chuyển dần các ban quản lý theo chức năng tư vấn quản lý dự án. Đối với cấp huyện, hiện nay đội ngũ kỹ sư xây dựng, tư vấn thiết kế đang thiếu trầm trọng. Do đó, tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, các đơn vị tư vấn phải là ưu tiên hàng đầu cho các địa phương trong thời gian tới. Ngoài ra, tất cả dự án phải lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để nâng cao chất lượng, trách nhiệm và đảm bảo thời gian. Chỉ nên tập trung bố trí vốn đầu tư cho những công trình chuyển tiếp và các dự án đặc biệt cấp thiết do Thường trực Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quyết định.  

Một vấn đề quan trọng cần rút kinh nghiệm trong quá trình phân cấp quản lý trong đầu tư XDCB là bên cạnh yếu tố thuận lợi, nhanh chóng, đầu tư công trình đúng mục đích yêu cầu sử dụng… thì yếu tố pháp lý của công trình theo quy định của pháp luật cần được quan tâm làm đúng.

NGUYỄN KHÔI