Đến thời điểm này, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) đã xuất hiện tại 21 tỉnh, thành, ảnh hưởng đến khoảng 500.000 ha lúa các loại, làm giảm trên 800.000 tấn lúa...
Nếu không chủ động phòng trừ dịch bệnh, năng suất lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. |
Đến thời điểm này, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) đã xuất hiện tại 21 tỉnh, thành, ảnh hưởng đến khoảng 500.000 ha lúa các loại, làm giảm trên 800.000 tấn lúa (thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng). Tuy Khánh Hòa chưa xuất hiện bệnh nhưng cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo địa phương phải nâng cao cảnh giác vì nay bệnh đã lan đến Ninh Thuận - địa phương tiếp giáp với Khánh Hòa.
Để giúp người dân hiểu rõ về căn bệnh này, chúng tôi xin giới thiệu một số biểu hiện chính của bệnh và cách phòng chống.
Bệnh VL-LXL là 2 bệnh khác nhau, do virus gây ra và rầy nâu là môi giới truyền bệnh. Cây lúa có thể bị 1 trong 2, hoặc cùng một lúc mang cả 2 bệnh này. Ruộng lúa bị nặng từ 90 - 100% có thể làm giảm năng suất 90% hoặc không có thu hoạch.
° Biểu hiện của bệnh vàng lùn
Trên ruộng lúa, bệnh thường xuất hiện riêng lẻ ở từng bụi lúa, số chồi giảm nhiều so với bụi lúa bình thường không bị bệnh. Trong bụi lúa có thể chỉ có một số dảnh lúa bị bệnh còn các dảnh khác vẫn bình thường; tuy nhiên, cũng có trường hợp cả bụi lúa bị bệnh và chết. Khi cây lúa bị bệnh, rễ lúa vẫn phát triển bình thường, không thối đen như thường gặp ở một số bệnh khác. Trên nhánh lúa bị bệnh, màu xanh chuyển dần sang màu nhạt, rồi vàng nhạt, vàng cam và sau này là vàng chết khô. Lá dưới gốc bị vàng trước rồi lan dần lên các lá phía trên. Khi lúa bị bệnh, cây lúa sẽ không tiếp tục phát triển về chiều cao, vì vậy, cây lúa bị lùn so với cây lúa bình thường. Mức độ lùn phụ thuộc vào bệnh xuất hiện sớm hay muộn. Nếu bệnh xuất hiện sớm, cây lúa sẽ lùn nhiều, chậm phát triển và chết dần; nếu bị muộn, cây lúa bị lùn ít hoặc không lùn, nhưng khi trổ bị nghẹn và lép nhiều. Trên cây lúa bị bệnh, lá vàng dần từ chóp lá xuống phía dưới. Phần tiếp giáp giữa màu vàng và màu xanh lục của lá không có ranh giới rõ rệt. Trong khi lá bị vàng thì gân lá vẫn xanh, khi màu vàng lan xuống bẹ thì chóp lá bắt đầu khô và cuốn lại, sau đó cháy khô cả lá, nếu bệnh lan đến lá trên cùng thì nhánh lúa sẽ chết khô. Lá lúa bị bệnh có khuynh hướng xòe ngang ra.
° Biểu hiện của bệnh lùn xoắn lá
Cây lúa bị lùn do tăng trưởng trưởng chậm cả về chiều cao cây và bề dài lá (có thể bị giảm tới 50%). Về màu sắc, cây lúa vẫn giữ màu xanh bình thường, thậm chí xanh đậm hơn cả cây lúa khỏe; cho đến khi thu hoạch, cây lúa vẫn xanh và tiếp tục sống rất lâu trên ruộng. Cây lúa bị bệnh, lá xoắn lại nhiều vòng như lò xo hoặc trôn ốc (giống hình mũi khoan). Lá bị bệnh có thể bị tưa ra ở mép thành những đoạn ngắn có hình chữ V hoặc răng cưa. Mặt lá nhăn nhúm, phiến lá ở cuống thường bị vặn vẹo, mép lá biến màu thành dải sọc trắng. Gân lá và phía trên bẹ sưng từng đoạn ngắn, tạo thành các u bướu có màu trắng hay màu vàng nhạt, đôi khi màu nâu hay nâu đậm, bướu có thể rộng 0,5 - 1mm và dài vài mm đến vài cm. Bụi lúa bị bệnh có vẻ thô cứng và đẻ nhánh nhiều hơn cây lúa bình thường. Cây bệnh lớn tuổi thường mọc ra nhiều chồi đốt ngang thân, bông trổ muộn hơn bình thường và trổ không thoát, nếu trổ thoát thì bông ngắn và lép nhiều. Cây lúa bị bệnh trễ sẽ không xuất hiện những triệu chứng điển hình trên. Nhưng sau khi thu hoạch, bệnh sẽ thể hiện rõ và sớm trên những cây lúa chét mọc ra từ gốc những cây lúa bị bệnh.
° Biểu hiện của cây lúa khi bị cả 2 loại virus vàng lùn, lùn xoắn lá
Do con rầy nâu có thể lấy được cả 2 loại virus VL-LXL vào cơ thể, vì vậy nó có thể truyền cùng một lúc cả 2 loại bệnh này cho cây lúa. Trong trường hợp này, cây lúa vẫn bị lùn nhưng số chồi trong bụi lúa bình thường như bụi lúa khỏe (không giảm, không tăng). Bụi lúa bị bệnh vừa có lá vàng từ chóp vào, vừa có lá xanh đậm, vặn xoắn và có cả những lá có màu xanh lẫn màu vàng cam của đọt lá. Nhưng lá lúa không có biểu hiện xòe ngang.
° Cách truyền bệnh của rầy nâu
Bình thường, rầy nâu không mang mầm virus (vì rầy nâu mẹ không truyền virus cho con) nên để có thể truyền được bệnh, rầy nâu phải chích vào cây lúa bị bệnh, sau đó ủ bệnh trong cơ thể (khoảng 9 ngày đối với bệnh LXL và 4 ngày đối với bệnh VL), và khi virus được nhân lên mật số cao, rầy nâu sẽ chích và truyền bệnh sang cây lúa khỏe. Sau khi cây lúa khỏe bị chích từ 16 - 21 ngày, cây lúa sẽ có biểu hiện bệnh. Một con rầy nâu khi đã chích vào cây lúa bệnh, nó sẽ mang mầm bệnh đó suốt phần đời còn lại. Một con virus tuổi 3 có thể truyền bệnh cho khoảng 200 cây lúa và truyền cùng lúc cả 2 loại bệnh VL-LXL vào cây lúa. Quan hệ giữa virus gây bệnh và rầy nâu - môi trường truyền bệnh được khẳng định là theo cơ chế bền vững. Một điều may mắn là virus gây bệnh VL-LXL không truyền bệnh qua hạt giống, không truyền qua vết thương cơ giới, đất, nước hay không khí nên nếu có biện pháp phòng chống tích cực, đồng bộ chúng ta có thể ngăn chặn được dịch bệnh này.
Tuy nhiên, thời gian qua bệnh VL-LXL đã phát triển rất nhanh với tốc độ cao mà chúng ta không ngăn chặn được; theo các nhà nghiên cứu do 3 nguyên nhân cơ bản:
Một là, tỷ lệ rầy nâu bị nhiễm virus bệnh VL-LXL ngày càng cao. Nếu trước đó, tỷ lệ rầy nâu nhiễm bệnh chỉ khoảng 0,5 - 1%, thì đến cuối tháng 8 đầu tháng 9, là trên 44% và kết quả giám định ngày 25-9, tỷ lệ này là 77%. Thứ hai, do các giống lúa bị nhiễm rầy nâu quá nhiều. Trước đây, sau mỗi đợt dịch, chúng ta đã tung ra nhiều loại giống kháng rầy, giúp chống lại các căn bệnh do rầy nâu gây nên. Nhưng những giống này chất lượng gạo không cao, không có giá trị xuất khẩu. Vì vậy, những năm gần đây, chúng ta đưa vào sản xuất một số giống lúa có chất lượng để đáp ứng xuất khẩu nhưng lại bị nhiễm rầy (70% giống sản xuất hiện nay bị nhiễm rầy) điều này làm cho rầy nâu gia tăng mật độ và tăng cường truyền bệnh cho cây lúa trên đồng ruộng. Thứ ba, hiện nay chúng ta canh tác liên tục (3 vụ/năm và 7 vụ/2 năm) tạo điều kiện cho rầy nâu có nơi trú ẩn và phát triển, mang mầm bệnh truyền từ vụ này sang vụ khác mà không có cách phòng chống hiệu quả.
° Một số giải pháp phòng chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và khuyến cáo của các chuyên gia, điều quan trọng trước mắt là phải kiểm soát, khống chế được được rầy nâu. Bằng cách xịt thuốc diệt rầy trưởng thành vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây lúa trước khi rầy phát tán sang trà lúa mới. Kiểm tra chặt chẽ những ruộng mới xuống giống, nếu phát hiện có rầy nâu cần phun thuốc diệt trừ ngay (tiến hành trên diện rộng càng tốt). Theo khuyến cáo mới nhất, trong vòng 40 ngày xuống giống, nếu phát hiện rầy nâu cần phun thuốc trừ sâu bệnh 2 lần (trước đây khuyến cáo không phun thuốc). Trong vụ sản xuất phải thường xuyên kiểm tra, phun thuốc kịp thời và cần chọn đúng loại thuốc cho từng thời gian sinh trưởng của rầy nâu, xịt đủ lượng thuốc, lượng nước pha và xịt đúng cách nhằm tránh tình trạng kháng thuốc (theo một báo cáo mới nhất tại Trung Quốc, rầy nâu ở Việt Nam đã tăng tính kháng thuốc lên 2 lần, ở Trung Quốc là 5 lần và Nhật Bản là 12 lần).
Nếu cây lúa bị bệnh mà tỷ lệ còn thấp cần nhổ bỏ và tiêu hủy bụi lúa; nếu tỷ lệ nhiễm bệnh trên 30% (dưới 40 ngày tuổi) thì tiến hành hủy bỏ cả ruộng lúa bằng cách xịt một đợt thuốc diệt triệt để rầy nâu đang mang mầm bệnh, sau đó xịt thuốc diệt cỏ không chọn lọc (Glyphosate) để diệt bỏ cây lúa, rồi cày vùi để hủy bỏ cả ruộng lúa. Nếu cây lúa bị bệnh thì cây lúa chét mọc ra từ gốc rạ sau khi thu hoạch cũng bị nhiễm bệnh rất nặng và rất sớm. Đây là nguồn “dự trữ” bệnh trên đồng ruộng để từ đó lây lan sang vụ sau. Vì vậy, ở những ruộng lúa bị bệnh cần hủy bỏ lúa chét để tránh lây lan.
Về lâu dài, cần nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống lúa có tính kháng rầy, kháng bệnh VL-LXL nhưng cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Gieo cấy đúng thời vụ, không kéo dài, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ. Không để lúa chét giữa 2 vụ. Đồng thời, thay đổi cơ cấu cây trồng, xen canh cây trồng, vật nuôi khác giữa 2 vụ lúa để hạn chế nguồn bệnh và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nắm rõ nguồn gốc, nguyên nhân lây lan, biểu hiện của dịch bệnh để có biện pháp phòng chống hiệu quả.
NAM PHONG