06:10, 25/10/2006

Không phải là "làn sóng thời thượng"

"Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không còn là 'làn sóng' thời thượng, mà là quyết định đúng đắn và nghiêm túc của nhà đầu tư Nhật Bản", Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế...

Doanh nhân và quan chức kinh tế Nhật khảo sát doanh nghiệp Việt Nam.                 (Ảnh: VNN)

"Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không còn là 'làn sóng' thời thượng, mà là quyết định đúng đắn và nghiêm túc của nhà đầu tư Nhật Bản", Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam Oshikiri Koji nhận định.

"Làn sóng" mới của các nhà đầu tư Nhật Bản được khởi động từ cuối năm 2005 với hàng loạt dự án đầu tư mới và mở rộng sản xuất của doanh nghiệp như Yamaha Motor (vốn 48 triệu USD), Mabuchi Motor (40 triệu USD).

Đầu năm 2006, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi Tokyo UFJ đã ký thoả thuận hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy các kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Nhật và tăng cường vốn cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Mới đây, ông Mike Asao - Trưởng đại diện hãng Canon Việt Nam - thông báo đến năm 2007, Canon sẽ tăng thêm 110 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư của hãng này tại Việt Nam lên 370 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành nơi sản xuất máy in phun lớn nhất của Canon, ngoài Nhật Bản.

Hãng Mitsubishi Heavy Industries Ltd của Nhật cũng vừa ký thỏa thuận cấp giấy phép cho Tổng Công ty đóng tàu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và quyền được sản xuất động cơ diesel cỡ lớn trong thời hạn 10 năm, đến 2014.

Gần đây, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ cao Nidec đã tuyên bố sẽ tăng vốn đầu tư vào khu công nghệ TP.Hồ Chí Minh trong 5 năm tới, từ hơn 100 triệu USD lên 1 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ là vệ tinh của các hãng nổi tiếng của Nhật cũng lần lượt đầu tư vào Việt Nam.

Ông Mikio Takeuchi thuộc Trung tâm Tài chính quốc tế Nhật Bản phân tích có 3 lý do chính để các nhà đầu tư chọn Việt Nam, đó là sự ổn định chính trị xã hội, an ninh trị an tốt; lao động chất lượng cao; chi phí sản xuất thấp và rủi ro không tập trung. So với một số nước trong khu vực thì giá nhân công tại Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng khoảng 50% - 70%.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, một loạt hội nghị và sự kiện lớn xảy ra tại Việt Nam trong năm 2006 như Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tháng 11, Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp Thống nhất có hiệu lực trong năm 2006, Việt Nam sẽ vào WTO trong tháng 11... sẽ là những luồng gió mới, tiếp sức cho làn sóng đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam.

Dự kiến vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2006 có thể đạt hơn 1 tỷ USD.

Theo TTXVN