04:10, 21/10/2006

Chấn chỉnh hoạt động KD lữ hành: Vấn đề cần thiết

Theo Sở Du lịch - Thương mại Khánh Hòa, đến thời điểm hiện nay, số doanh nghiệp (DN) có đăng ký kinh doanh hoạt động lữ hành là 250 DN. Nhưng thực tế chỉ có 36 DN hoạt động, trong đó...

Đón khách du lịch tàu biển tại cảng Nha Trang.

Theo Sở Du lịch - Thương mại (DL-TM) Khánh Hòa, đến thời điểm hiện nay, số doanh nghiệp (DN) có đăng ký kinh doanh hoạt động lữ hành là 250 DN. Nhưng thực tế chỉ có 36 DN hoạt động, trong đó có 10 DN được Tổng Cục Du lịch cấp phép hoạt động lữ hành quốc tế. Hoạt động lữ hành trong 9 tháng đầu năm 2006 tiếp tục phát triển, song bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh.

Nhận định về tình hình kinh doanh du lịch lữ hành của các DN trong tỉnh thời gian qua, ông Bùi Xuân Lương, Trưởng phòng Quản lý Sở DL-TM cho rằng: “Hoạt động kinh doanh lữ hành nhìn chung rất yếu và còn nhiều hạn chế. Các DN lữ hành của tỉnh chưa đủ mạnh và không có khả năng vươn ra thị trường nước ngoài; chủ yếu chỉ khai thác nguồn du khách trong tỉnh và phụ thuộc nhiều vào các DN lớn của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội trong quá trình tổ chức, khai thác các tour quốc tế”.

Giám đốc một DN lữ hành quốc tế thừa nhận: “Đây là điểm yếu từ lâu nay của các DN lữ hành Khánh Hòa, nhất là ở thị trường khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam). Lý do là các DN của Khánh Hòa không thể cạnh tranh nổi với các hãng lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội về lực cũng như chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, Nha Trang không phải là một đầu mối lớn, không có sân bay quốc tế, các điều kiện về cơ sở vật chất dịch vụ đủ tiêu chuẩn còn hạn chế”. Và ông đơn cử một khó khăn mà DN của ông đang gặp đó là việc tìm thuê các xe du lịch cao cấp đưa khách đi tour với điều kiện khách đặt ra là các ghế ngồi đều phải có dây an toàn. Điều kiện này tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại rất khó tìm xe đạt yêu cầu như vậy ở thị trường Khánh Hòa…

Bên cạnh các đơn vị du lịch lữ hành làm ăn chân chính, hiện vẫn còn khá nhiều đơn vị không có chức năng cũng tham gia kinh doanh lữ hành. Các đơn vị này tự thiết kế, xây dựng tour, tự thuê xe, thuê tàu đưa khách đi tham quan khắp nơi… “Người người làm lữ hành, nhà nhà làm lữ hành” là hiện trạng đang tồn tại ở Khánh Hòa. Tình trạng này còn dẫn đến việc phá giá dịch vụ, giảm chất lượng tour, ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành Du lịch. Ông Bùi Xuân Lương cho biết: “Cơ quan quản lý đã kiểm tra và phát hiện tình trạng này, song đến nay vẫn chưa xử lý được triệt để". Một vấn đề tồn tại cũng rất đáng quan tâm trong hoạt động lữ hành, đó là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) thiếu và còn hạn chế.

Năm 2005, với quyết tâm chấn chỉnh hoạt động này, Sở DL-TM đã liên hệ trường và mở lớp đào tạo HDV du lịch, thế nhưng lớp không mở được vì thiếu học viên. Năm nay, Sở đã mở được 1 lớp HDV du lịch quy mô nhất từ trước đến nay với số lượng học viên lên đến hơn 100 người. Bên cạnh việc học để nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác thực tế, các học viên có đủ điều kiện sẽ được cấp thẻ HDV. Sở DL-TM cho biết: Sau khi chuẩn hóa đội ngũ HDV du lịch, năm 2007 Sở sẽ kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành. Các đơn vị không có chức năng, hoặc đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, sẽ được rà soát lại để phát hiện và xử lý. Đây cũng là mong muốn của các DN lữ hành chân chính. Việc tăng cường công tác quản lý sẽ tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo niềm tin và khả năng phát triển cho các đơn vị kinh doanh lữ hành.

BÍCH KHUÊ