Khi đề cập đến ngành Vận tải biển của một quốc gia nào đó, chúng ta đều phải xét đến 3 thành tố cơ bản, đó là: Cảng biển, đội tàu biển và dịch vụ hàng hải...
° Cảng biển là động lực thúc đẩy ngành vận tải biển phát triển
Một góc Vịnh Vân Phong. |
Khi đề cập đến ngành Vận tải biển của một quốc gia nào đó, chúng ta đều phải xét đến 3 thành tố cơ bản, đó là: Cảng biển, đội tàu biển và dịch vụ hàng hải, trong đó cảng biển được xác định như động lực chủ yếu bởi vì nó thuộc kết cấu hạ tầng bảo đảm hiệu quả kinh doanh của đội tàu biển và chất lượng phục vụ của dịch vụ hàng hải.
Hiện nay, các cảng biển Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập do năng lực cạnh tranh chưa cao, trình độ quản lý, khai thác và phát triển còn thấp. Nhược điểm nổi bật của hệ thống cảng biển là chưa có cảng trung chuyển container quốc tế, do đó hàng hóa gửi bằng container đi và đến Việt Nam đều phải chuyển tải qua HongKong, Cao Hùng và Singapore, đẩy giá thành vận chuyển lên cao hơn nhiều so với các nước có cảng trung chuyển container quốc tế.
° Sự cần thiết phải xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế
Vân Phong được đề xuất xây dựng thành cảng trung chuyển quốc tế của Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90. Quá trình nghiên cứu tương đối dài, ý kiến và quan điểm khác nhau trong giới hàng hải cũng không ít. Nhưng rồi, nhu cầu và tính tất yếu của sự phát triển được khẳng định.
Cuối năm 2003, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu: “Mở rộng hơn nữa vùng vịnh Vân Phong, quy hoạch lại thành khu công nghiệp tổng hợp và có thể đây là một cú hích đẩy toàn khu vực này lên, kể cả Phú Yên và Tây Nguyên, nó là con đường nối chiến lược… Khi đó, chúng ta sẽ có một bộ mặt mới hoàn toàn. Tôi đề nghị phải có tầm nhìn như vậy”. Tiếp theo, năm 2004, Cục Hàng hải Việt Nam phát hành quyển sách “Vân Phong tầm nhìn thế kỷ”, trong đó có nhiều bài viết và tư liệu nói về các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xây dựng Vân Phong trở thành cảng trung chuyển quốc tế ở Việt Nam. Ngày 11-3-2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 51/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Khu Kinh tế vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020. Như vậy, dự án có đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vân Phong trực thuộc tỉnh đi vào hoạt động từ tháng 10-2004. Nhiệm vụ của Công ty là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại vùng vịnh Vân Phong, lấy cảng trung chuyển container quốc tế làm trọng tâm theo quy hoạch tổng thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt.
Từ đó, Vân Phong thật sự trở thành công trình trọng điểm của quốc gia, đồng thời là dự án phát triển kinh tế biển lớn nhất từ trước đến nay. Chỉ tính riêng mức đầu tư cho cảng trung chuyển container quốc tế khoảng 3,553 tỷ USD (xấp xỉ với dự án thủy điện Sơn La) và nếu ghép vào với tổng thể khu vực kinh tế vịnh Vân Phong thì tầm vóc và quy mô có thể so sánh với sự ra đời của thành phố cảng biển Thâm Quyến cách đây 26 năm (1980) khi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa hội nhập với thế giới.
Quyết định 51/2005/QĐ-TTg ngày 11-3-2005 của Thủ tướng Chính phủ được xem như là một sự kiện trọng đại đối với tỉnh Khánh Hòa và ngành Vận tải biển Việt Nam, thể hiện được nhu cầu bức bách của đất nước là phải xây dựng nhanh một cảng trung chuyển container quốc tế để cho ngành Vận tải biển hội nhập có hiệu quả cao; đồng thời cần phát triển sớm khu vực các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên thành một vùng kinh tế giàu có, làm động lực thúc đẩy công nghiệp và hiện đại hóa vùng đất phía Nam thoát khỏi nghèo khổ, lạc hậu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển hùng mạnh có nền công nghiệp tiên tiến đến năm 2020.
° Thu hút vốn đầu tư bằng chính sách và cơ chế thông thoáng
Xét về tầm cỡ và quy mô, đề án phát triển Khu Kinh tế vịnh Vân Phong là một trong những đề án lớn nhất nước. Nhưng đến nay, mọi sự chuyển động hình như chưa tương xứng với kỳ vọng của chúng ta. Có ý kiến cho rằng nguồn vốn đầu tư cho công trình đồ sộ này vẫn nằm đâu đấy trên giấy, còn cảng trung chuyển container quốc tế mà chúng ta dự kiến sau năm 2020 có thể thông qua từ 15 - 17 triệu TEU’S/năm chỉ là tiềm năng và thế mạnh của vùng vịnh Vân Phong. Tuy đây chưa phải là ý kiến chính thống, nhưng thực tế lại hiển nhiên. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải có một bước nhảy vọt mang tính đột phá để khắc phục tình hình nêu trên, tốt nhất là chuyển Vân Phong từ khu kinh tế bình thường sang “Khu kinh tế mở”.
Hiện tại chúng ta đang phát triển Khu Kinh tế vịnh Vân Phong, lấy cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Nếu không nói khác, Vân Phong phải là cảng tự do hoặc ít ra phải có cơ chế thoáng giống như một số cảng trung chuyển khác của thế giới thì mới có điều kiện phát triển và tồn tại được. Hơn nữa, khi Vân Phong trở thành khu kinh tế mở và cảng trung chuyển container quốc tế là cảng tự do, đương nhiên nguồn FDI và các nguồn vốn khác từ nước ngoài sẽ chảy vào nhanh và mạnh hơn, đó cũng là giải pháp hợp lý giúp chúng ta tháo gỡ tình trạng thiếu vốn đầu tư.
Ngoài ra còn một nguồn vốn rất phong phú và tiềm năng chính là “nội lực”, bao gồm những nhà đầu tư trong nước và Việt kiều. Theo thống kê gần nhất, mỗi năm dòng kiều hối chảy về nước trên 4 tỷ USD, nếu chỉ một nửa số này (2 tỷ USD) cộng thêm nguồn tại chỗ được đưa vào đầu tư phát triển kinh tế thì diện mạo đất nước sẽ thay đổi nhanh chóng. Nên chăng, trong đề án phát triển Vân Phong, Nhà nước cho thí điểm huy động nguồn vốn nói trên bằng một chính sách và cơ chế hấp dẫn, khả thi, phù hợp với các nhà đầu tư trong nước và Việt kiều.
Việt Nam đã qua 20 năm đổi mới và chúng ta đang đi vào giai đoạn thật sự hội nhập với thế giới. Hành trang tuy chưa nhiều lắm nhưng cũng đủ để đi tiếp đoạn đường mới nhiều khó khăn, thử thách. Điều quan trọng lúc này là trong tư duy kinh tế cần có tầm nhìn xa hơn, ít nhất là 20 - 30 năm tới thì mới có thể hoạch định được chính sách phát triển thích hợp với hiện tại và cả tương lai. Mong rằng đề án phát triển kinh tế vịnh Vân Phong sẽ chuyển động đúng với ý nghĩa “tầm nhìn thế kỷ” tương xứng với hình ảnh Việt Nam đang đổi mới.
NGÔ LỰC TẢI (Nguyên Giám đốc Sở Giao thông công chính TP. Hồ Chí Minh)