Năm 2006, Nhật Bản đã áp dụng Luật Thực phẩm sửa đổi, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm nhập khẩu...
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Thủy sản Cam Ranh. |
Năm 2006, Nhật Bản đã áp dụng Luật Thực phẩm sửa đổi, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm nhập khẩu. Những tháng qua, một số lô hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản bị phát hiện nhiễm Chloramphenicol, một loại kháng sinh bị cấm và nhà chức trách đã áp dụng lệnh kiểm tra 100% lô hàng hải sản của Việt Nam vào Nhật Bản. Đây là quyết định gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của các sản phẩm thủy sản Việt Nam; các doanh nghiệp (DN) đang gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu thủy sản (XKTS) vào thị trường này.
Trước tình hình này, Bộ Thủy sản đã chỉ đạo các cơ quan quản lý chất lượng và thú y thủy sản địa phương tăng cường công tác kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đặc biệt là việc sử dụng hóa chất kháng sinh trong bảo quản sơ chế hải sản của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) thức ăn, thuốc thú y thủy sản, cơ sở thu mua, sơ chế thủy sản… Đối với các tỉnh trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa… cần tổ chức các đội đặc nhiệm kiểm tra các tàu cá, chợ cá, cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu hải sản để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Riêng Khánh Hòa, với trên 40 DN tham gia XKTS, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 4 cả nước, công tác đảm bảo ATVSTP thủy sản cần đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc trong nuôi trồng, bảo quản nguyên liệu vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hình thức nuôi trồng ở Khánh Hòa nhỏ lẻ, không tập trung. Do không đủ nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhiều DN phải tổ chức mạng lưới thu mua từ nhiều đầu mối hoặc qua sơ chế nên không giám sát được việc có dư lượng thuốc kháng sinh hay không. Ngoài ra, nhiều DN chưa chủ động tìm hiểu kỹ thị trường và những thông tin liên quan đến mặt hàng mình sản xuất.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thủy sản, UBND tỉnh đã giao cho Sở Thủy sản, các ban ngành liên quan triển khai các biện pháp cụ thể về tăng cường quản lý hóa chất, kháng sinh dùng cho SX-KD thực phẩm thủy sản. Theo đó, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh nêu trong danh mục do cơ quan quản lý Nhà nước quy định cấm sử dụng trong SX-KD thực phẩm. Tập trung tuyên truyền, tập huấn phổ biển tới ngư dân, chủ tàu cá, nậu vựa, cơ sở thu mua… kiến thức ATVSTP thủy sản, tác hại của hóa chất, kháng sinh cấm… Thông báo đến các DN về mục đích, yêu cầu bảo đảm ATVSTP đối với các thị trường khó tính như EU, Nhật.
Vẫn biết, việc bảo quản tốt nguyên liệu là việc nên làm, công tác ATVSTP trong SX-KD thủy sản cũng cần chú trọng. Nhưng cái chính là người SX-KD đừng vì “tham bát - bỏ mâm” sử dụng bừa bãi các loại thuốc, chất kháng sinh trong khâu bảo quản nguyên liệu chỉ vì cái lợi trước mắt mà ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của chính mình.
ANH TUẤN
|