Trên dòng sông Cái, sau mỗi mùa trăng, người ta vẫn thấy hàng trăm chiếc tàu thuyền tấp nập cập bến. Nghề biển ở Khánh Hòa đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo thu nhập...
Tàu thuyền đánh bắt xa bờ cập bến ở cửa sông Cái Nha Trang. |
Trên dòng sông Cái, sau mỗi mùa trăng, người ta vẫn thấy hàng trăm chiếc tàu thuyền tấp nập cập bến. Nghề biển ở Khánh Hòa đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển. Thế nhưng, do đội tàu khai thác nhỏ, trang thiết bị cứu sinh thiếu và không đồng bộ, nguy cơ mất an toàn, khả năng thiệt hại về người, tài sản trong mùa mưa bão đang là vấn đề hết sức nan giải.
Hiện nay, Khánh Hòa có 5.424 chiếc tàu thuyền, tổng công suất đạt gần 217.000 CV, trong đó tàu trên 90 CV đủ điều kiện đánh bắt xa bờ là 369 chiếc. Cũng như nhiều địa phương khác trong vùng biển Trung bộ, tàu cá của Khánh Hòa đa số là tàu nhỏ, chủ yếu vỏ gỗ, lắp máy cũ đã qua sử dụng, trang thiết bị khai thác và an toàn tàu cá còn thiếu và không đồng bộ. Do hoạt động trên ngư trường rộng nên các tàu thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ trên biển.
Theo đánh giá chung, tình trạng kỹ thuật của đội tàu cá Khánh Hòa chỉ đảm bảo hoạt động trong điều kiện sóng gió không quá cấp 5, chạy trú ẩn cấp 6 và an toàn khi hoạt động cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý. Tuy nhiên, sự bất cập thể hiện ở chỗ ngư dân có xu hướng vươn khơi, trong khi tàu thuyền không đủ khả năng đáp ứng quy phạm an toàn tương ứng với điều kiện khai thác. Phần lớn tàu thuyền có công suất dưới 90 CV vẫn tham gia đánh bắt xa bờ trên 300 hải lý. Đây là vùng thường xuyên có giông bão, gió lốc và nguy cơ thiệt hại về người và tài sản rất lớn.
Trừ các tàu đóng mới trong Chương trình khai thác xa bờ (30 chiếc), có trang bị hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, còn hầu hết các tàu của Khánh Hòa đều trang bị máy tầm gần; các loại máy này đa chủng loại, không tương thích về đãi tầng, cách thu phát công suất thấp, ảnh hưởng nhiều đến công tác thông tin cứu hộ, cứu nạn trên biển. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc đảm bảo an toàn trên biển còn hạn chế, thậm chí xem nhẹ các quy định của Nhà nước. Ngoài ra, do có nhiều bãi ngang neo đậu tàu thuyền, các phương tiện vẫn dễ dàng lọt qua sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng khi ra khơi mà không đầy đủ thủ tục đăng ký, đăng kiểm, mức độ an toàn của tàu, thậm chí không mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên.
Theo ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở Thủy sản Khánh Hòa: Để đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ, các tàu thuyền khi ra vào cảng, bến đậu phải thực hiện nghiêm chế độ khai báo, thông báo cụ thể ngư trường đang hoạt động, hô hiệu và tần số liên lạc của tàu cho cơ quan quản lý thủy sản; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển; kiên quyết không cho tàu ra khơi khi không có đầy đủ các trang thiết bị an toàn về người và tàu như phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Khi có tai nạn hoặc có bão, các thuyền trưởng phải sử dụng những biện pháp cấp bách để đưa tàu cá của mình đến nơi an toàn; thông báo cho đài Thông tin duyên hải, đồn Biên phòng gần nhất vị trí tàu cá của mình số người trên tàu và phát tín hiệu cấp cứu khi cần thiết; đồng thời có trách nhiệm ứng cứu khi phát hiện người và tàu cá khác bị nạn; rà soát, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và thuyền viên trước khi rời bến. Trước mắt, đảm bảo tất cả các tàu thuyền đánh bắt xa bờ lắp máy có công suất 90 CV trở lên, có hệ thống thông tin liên lạc tầm xa và thường xuyên liên lạc hai chiều với đất liền...
ANH TUẤN