11:07, 08/07/2005

Cần có sự bảo vệ kiên quyết

Thời gian qua, ngành điện đã rất tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (LĐCA). Tuy nhiên với tốc độ phát triển...

Ngôi nhà 174 Ngô Gia Tự - Nha Trang vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (dấu tròn trên ảnh) cách đường dây 22kV 0,2m; diện tích vi phạm 7,2m2.

Thời gian qua, ngành điện đã rất tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (LĐCA). Tuy nhiên với tốc độ phát triển dân số, kinh tế - xã hội như hiện nay… tình trạng nhiều hộ gia đình xây dựng nhà ở, làm kinh tế trên phần đất có LĐCA đi qua trái quy định của Chính phủ ngày càng gia tăng.

Tuy ngành điện đã có nhiều thông tin cảnh báo về mối nguy hiểm của lưới điện nhưng việc vi phạm vẫn không giảm.
Năm 1999, Nghị định 54 của Chính phủ về bảo vệ an toàn LĐCA ra đời. Trong quá trình thực hiện, để phù hợp với mục tiêu phát triển mạng lưới điện và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước; cuối tháng 5-2004, Chính phủ đã ra Nghị định 118 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54 nhằm hoàn thiện những quy định về bảo vệ an toàn LĐCA. Có thể nói việc triển khai thực hiện các Nghị định trên đóng vai trò rất lớn trong việc ổn định cung cấp điện cũng như hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn về điện. Thế nhưng từ khi có những quy định mới, một bộ phận trong nhân dân vẫn không tự giác chấp hành. Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.128 hộ gia đình xây dựng 1.176 công trình vi phạm hành lang an toàn LĐCA. Ngoài ra, còn có 162 hộ trồng cây, dựng cột ăng ten và 50 hộ dựng pa nô, bảng hiệu vi phạm. Một số địa phương mức độ vi phạm hành lang an toàn LĐCA cao như: TP. Nha Trang có 365 công trình nhà ở vi phạm; Khánh Vĩnh có 272 công trình nhà ở vi phạm… Các trường hợp trên hầu hết đều vi phạm sau khi có lưới điện đi qua. Những công trình về nhà ở vi phạm đều do cơi nới, hoặc xây dựng mới khi tách hộ. Vách tường và mái nhà có nguy cơ bị phóng điện cao như: mái lợp tole hoặc vách được dựng lên bằng vật liệu dễ cháy… Bên cạnh đó, nhiều hộ vi phạm do trồng cây trong vùng lưới điện nhưng không chịu phát dọn; thậm chí có hộ còn cản trở công nhân quản lý vận hành đường dây phát quang hành lang tuyến… Theo ông Bùi Quang Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: Các vi phạm hành lang an toàn LĐCA chủ yếu là do người dân không ý thức, không tuân thủ những quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh việc người dân vi phạm vì thiếu thông tin hoặc không chấp hành, cũng có nhiều trường hợp người dân vi phạm bởi công tác quản lý của các ngành chức năng còn lơi lỏng. Chẳng hạn như trong quá trình người dân xây dựng, nhiều cơ quan chức năng quản lý hạ tầng cơ sở chưa thực sự quan tâm phối hợp với ngành điện rà soát về tầm ảnh hưởng của lưới điện đến khu vực nhà cửa và cây cối để có thể cấp phép theo quy định; chức năng nhiệm vụ của từng ngành còn chồng chéo nên không đơn vị nào “dài tay” để giám sát vùng có LĐCA…

Về nguyên tắc, các đường dây điện thi công đều có dự án rõ ràng và được cấp phép nên việc người dân xâm phạm vào hành lang an toàn lưới điện là vi phạm pháp luật. Trường hợp những đường dây thi công sau khi có công trình nhà ở hoặc cây cối của nhân dân thì đều được ngành điện đền bù xứng đáng. Đầu năm 2005, UBND tỉnh đã có Quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 54 của Chính phủ nhằm giúp tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ LĐCA. Đây sẽ là một trong những hướng giải quyết hữu hiệu đối với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Theo ông Trương Tam - Trưởng Phòng Giám sát điện năng (Sở Công nghiệp): “Theo Nghị định 54, tất cả các trường hợp vi phạm hành lang an toàn LĐCA tùy theo mức độ đều phải giải quyết và xử lý. Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, các cấp chính quyền địa phương nơi có những công trình vi phạm cần tập trung giải quyết trước mới có hiệu quả”.

L.H.T