05:07, 09/07/2005

Du lịch Việt Nam hội nhập và phát triển

Với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, DL Việt Nam đã thu hút nhiều du khách cùng các nguồn vốn đầu tư. Xin giới thiệu bài viết của bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng DL...

Biển Nha Trang.

Với tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc, thu hút nhiều du khách cùng các nguồn vốn đầu tư. Xin giới thiệu bài viết của bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Du lịch nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập ngành du lịch (9-7-1960 - 9-7-2005).

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là trong những năm đổi mới vừa qua, du lịch Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, đáng ghi nhận. Đây là thành tựu quan trọng để ngành chuẩn bị hành trang vững bước trên đường hội nhập và phát triển, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm đầu của thế kỷ 21.

Ngay từ những năm mới thành lập, trong điều kiện chiến tranh, thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, trình độ nghiệp vụ hạn chế, nhưng ngành du lịch đã có nhiều cố gắng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng, Nhà nước, các chuyên gia nước ngoài và bạn bè quốc tế đến nước ta. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, với phạm vi hoạt động mở rộng trên toàn quốc, ngành tăng cường phát triển nhân lực, cơ sở kỹ thuật, chuẩn bị điều kiện mở rộng quy mô và đa dạng hóa hình thức hoạt động, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của một ngành kinh tế tổng hợp. Đó là điều kiện giúp ngành có thể nhanh chóng thích nghi và phát triển một cách năng động trong quá trình chuyển đổi cơ chế của thời kỳ đổi mới. Các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ này đều khẳng định tầm quan trọng của du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đồng thời khẳng định quyết tâm "đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch, thương mại có tầm cỡ trong khu vực" và "nhanh chóng phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn". Từ những đề xuất của ngành, Bộ Chính trị đã thảo luận và có Kết luận 179 về phát triển du lịch trong tình hình mới. Thực hiện kết luận, Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đã được thành lập, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch và triển khai khá hiệu quả từ năm 2000 đến nay, mở ra nhiều triển vọng phát triển khả quan cho du lịch. Một loạt văn bản pháp lý như Pháp lệnh Du lịch, các nghị định hướng dẫn thi hành và gần đây nhất là Luật Du lịch được thông qua, đưa vào thực hiện. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đất nước cùng quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm và quy hoạch của hơn 50 tỉnh, thành phố.

Có thể nói, việc hình thành đồng bộ cơ chế chính sách, môi trường pháp luật đã tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, nhất là cơ sở hạ tầng  và nhân lực, nâng cao nhận thức xã hội đối với du lịch. Trong năm năm qua, với nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng lên tới 2.146 tỷ đồng đã góp phần không nhỏ khuyến khích các địa phương thu hút đầu tư du lịch dựa trên lợi thế của từng vùng, miền. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng có bước chuyển mạnh mẽ. Cả nước hiện có hơn 5.900 cơ sở lưu trú với 120 nghìn phòng. Phương tiện vận chuyển khách đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không được hiện đại hóa. Nhiều khu du lịch, sân gôn, công viên chuyên đề và cơ sở vui chơi được đưa vào hoạt động, đủ điều kiện đón hàng triệu du khách mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng của du lịch đạt mức tăng bình quân hơn 11%/năm cả về cơ sở hạ tầng lẫn số lượng du khách với nguồn thu hơn một tỷ USD mỗi năm, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Thời gian qua, tuy phải chịu ảnh hưởng của các biến động trên thế giới như chiến tranh, khủng bố, dịch SARS và dịch cúm gia cầm, nhưng do có biện pháp tháo gỡ kịp thời, lượng du khách vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số. Ước tính năm nay, số lượng khách quốc tế đến nước ta và thu nhập từ du lịch sẽ tăng gấp đôi năm 1999, đạt khoảng hơn 3,2 triệu lượt người và doanh thu hơn hai tỷ USD. Tại các vùng trọng điểm, du lịch không ngừng làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn và đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ hàng hóa và dịch vụ, tác động thúc đẩy sự phát triển của các ngành có liên quan, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, đồng thời giúp khôi phục và phát huy các di sản văn hóa, loại hình nghệ thuật, lễ hội cùng những ngành nghề truyền thống. Du lịch còn mở mang giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với các nước, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau; nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương của Đảng và Nhà nước ta. Du lịch Việt Nam hiện có quan hệ bạn hàng với hơn 1.000 hãng du lịch, trong đó có nhiều hãng lớn của hơn 60 nước, vùng lãnh thổ và là thành viên của Tổ chức Du lịch thế giới, các hiệp hội du lịch châu Á - Thái Bình Dương, Đông - Nam Á. Nước ta cũng đã ký hiệp định hợp tác du lịch với nhiều nước, chủ động tham gia hợp tác du lịch tiểu vùng, khu vực và liên khu vực; từ đó tranh thủ được các nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm để phát triển nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến và hội nhập du lịch quốc tế.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được đổi mới về cơ sở trường lớp giảng dạy, thực hành, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo cùng với việc chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp ngành được triển khai, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của ngành, mang tính thực tiễn cao. Những tiến bộ trên lĩnh vực này đã giúp đào tạo cho ngành 230 nghìn lao động trực tiếp có trình độ chuyên môn và gần 500 nghìn lao động gián tiếp trên các lĩnh vực.

Trong quá trình phát triển, bộ máy quản lý du lịch cũng được kiện toàn, tổ chức và củng cố. Tuy còn hạn chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng Tổng cục Du lịch và các cơ quan quản lý du lịch địa phương đã cố gắng vượt qua khó khăn, trở ngại, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch trên phạm vi cả nước và từng địa phương, hoàn thành nhiệm vụ như vai trò của một Bộ Du lịch.

Bên cạnh đó, việc triển khai Chương trình hành động quốc gia 5 năm qua đã thật sự tạo đà cho du lịch phát triển, khẳng định vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn. Có thể nhận thấy sự chuyển biến từ công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch thông qua phát triển du lịch văn hóa gắn các lễ hội truyền thống, làng nghề, biểu diễn nghệ thuật, khảo cứu khoa học, hội nghị, hội thảo, đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch, cải thiện hệ thống dịch vụ phục vụ, khảo sát, xây dựng mới và nâng cấp các tua du lịch chuyên đề cho đến công tác phối hợp liên ngành, tạo thuận lợi, khuyến khích hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức và chuyển hóa thành hành động thiết thực trong phát triển du lịch; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, đào tạo nhân lực và giáo dục du lịch toàn dân.

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam vẫn còn có hạn chế nhất định, chỉ tiêu về số lượng khách và thu nhập mà ngành đạt được so với một số nước trong khu vực còn có khoảng cách khá xa. Tổ chức bộ máy, nhân sự của ngành chưa tương xứng vai trò, vị trí, nhiệm vụ của một ngành kinh tế mũi nhọn. Cơ chế, chính sách phát triển còn có mặt bất cập, thiếu đồng bộ. Xây dựng và quản lý quy hoạch còn nhiều việc phải làm. Đầu tư, xúc tiến quảng bá và đào tạo nhân lực mới đáp ứng được phần nào yêu cầu phát triển. Chất lượng sản phẩm du lịch và dịch vụ chưa cao, sức cạnh tranh yếu trong khi cạnh tranh du lịch quốc tế ngày càng gay gắt trong điều kiện toàn cầu hóa. Tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên, xã hội đang có nguy cơ suy giảm do khai thác, sử dụng thiếu hợp lý. Vốn đầu tư hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư quá lớn. Ngoài ra, trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và mức sống của người dân chưa cao, ảnh hưởng quan hệ cung - cầu đối với du lịch. Những hạn chế và trở ngại đó cần phải khẩn trương khắc phục và giải quyết trong quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch thời gian tới.

Đất nước ta đang chuyển mạnh sang thời kỳ CNH, HĐH. Là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, hiệu quả nhiều mặt, du lịch phải phát triển nhanh và bền vững hơn theo định hướng rõ ràng. Phát triển du lịch với vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng; đáp ứng nhu cầu du lịch cả trong nước và quốc tế, sớm vươn tới trình độ khu vực. Giai đoạn 2006 - 2010 phải được coi là thời kỳ đột phá quan trọng của du lịch để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngoại tệ, rút ngắn khoảng cách tụt hậu và tăng cường hội nhập quốc tế. Từ định hướng chiến lược đó, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2010 đón 5,5 - 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng ba lần so với năm 2000 với nhịp độ tăng trưởng bình quân 11,4 % cùng 25 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn hai lần so với năm 2000; thu nhập du lịch đạt khoảng 4 - 4,5 tỷ USD, đưa tổng sản phẩm du lịch đạt mức 6,5% GDP của cả nước. Mục tiêu lâu dài là đưa nước ta trở thành một trong những nước có du lịch phát triển hàng đầu của khu vực vào năm 2020.

Thực hiện mục tiêu trên, toàn ngành sẽ tập trung làm chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực chủ yếu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về du lịch; mở rộng thị trường; phát triển sản phẩm; tăng cường xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá; kiện toàn bộ máy tổ chức và hiệu lực quản lý, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học; giữ gìn và phát huy các tài nguyên du lịch; chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; tích cực triển khai các dự án cụ thể trên các địa bàn trọng điểm nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững. Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng bốn khu du lịch tổng hợp và 18 khu du lịch chuyên đề quốc gia, tôn tạo, nâng cấp các đô thị du lịch bên cạnh việc hiện đại hóa đồng bộ cơ sở hạ tầng, cải tiến các thủ tục còn vướng mắc trong đưa, đón du khách; đa dạng hóa và sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp du lịch nhằm mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch nước ta. Những giải pháp nêu trên cần triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của toàn xã hội, mà nòng cốt là ngành du lịch.

Với những bước đi, cách làm phù hợp, sự kết hợp, hỗ trợ thường xuyên của các cấp, các ngành và một bộ máy được kiện toàn, nâng cấp tương xứng nhiệm vụ, bên cạnh tiềm năng, thế mạnh của đất nước, du lịch Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển với quy mô, tốc độ và hiệu quả cao hơn để trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ của khu vực.