10:05, 23/05/2005

Thủy sản Khánh Hòa trên bước đường hội nhập

Với 655km bờ biển và đường bờ ven đảo, 2.658km2 đầm, vịnh, đất ngập mặn, Khánh Hòa (KH) là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản...

Nuôi tôm hùm lồng, một thế mạnh của kinh tế thủy sản.

Với 655km bờ biển và đường bờ ven đảo, 2.658km2 đầm, vịnh, đất ngập mặn, Khánh Hòa (KH) là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản (KTTS). Cùng với việc khai thác, nuôi trồng, sản phẩm chế biến thủy sản (CBTS) xuất khẩu của KH hàng năm đạt hàng trăm triệu USD, chiếm tỷ trọng trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) địa phương.

Những năm qua, ngành KTTS đã đóng góp một phần không nhỏ trong thành tựu chung của nền kinh tế - xã hội tỉnh KH. Phát huy thế mạnh của thiên nhiên ưu đãi, giá trị sản xuất của ngành KTTS liên tục năm sau cao hơn năm trước. Năm 2004, tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 82.671 tấn, trong đó đánh bắt 71.300 tấn, nuôi trồng 11.371 tấn, đạt 130% kế hoạch. Đặc biệt, năm 2004, KNXK thủy sản toàn tỉnh đạt 170 triệu USD, tăng 17 triệu USD so với năm 2003. Theo đánh giá của Bộ Thủy sản, KH là đơn vị đứng thứ 5 so với các tỉnh có xuất khẩu thủy sản trong cả nước.

5 năm qua, KH đã được Nhà nước đầu tư 6 dự án phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), 3 dự án phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng vốn đầu tư trên 190 tỷ đồng như: Khu nuôi tôm công nghiệp Cam Thịnh Đông, Khu nuôi tôm công nghiệp Dốc Đá Trắng, Khu trại giống hải sản Sông Lô, Chợ thủy sản Nam Trung bộ, Cảng cá Hòn Rớ… Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về sử dụng đất, mặt nước, thuế, vốn… để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp của Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Na Uy… đã đầu tư tại KH trong lĩnh vực KTTS như chế biến đông lạnh xuất khẩu, nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp, chế biến thức ăn thủy hải sản.

Tổng sản lượng thủy sản 5 năm qua đạt 401.146 tấn, đạt 106% kế hoạch. Bên cạnh việc duy trì sản xuất nghề cá ven bờ đạt sản lượng ổn định, các địa phương còn khuyến khích người dân phát triển thêm nghề NTTS. Nhiều doanh nghiệp, tư nhân đã đầu tư nhiều vùng nuôi tôm thâm canh với quy trình nuôi tiên tiến đạt năng suất cao, năng suất bình quân toàn tỉnh lên đến 1,5 tấn/ha/năm. Ngoài việc sản xuất tôm sú giống, nuôi tôm sú thịt, nuôi tôm hùm đã trở thành nghề sản xuất chính đem lại thu nhập cao cho ngư dân. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 12.000 lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Ranh. Chỉ tính năm 2004, sản lượng tôm hùm lồng đạt 1.632 tấn.

Thế mạnh của KTTS KH là các mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Toàn tỉnh có 38 nhà máy CBTS đông lạnh tham gia xuất khẩu với công suất cấp đông 350 tấn/ngày. Trong đó, 4 nhà máy được cấp Code xuất khẩu sang thị trường EU, 27 nhà máy, phân xưởng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng, số lượng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất rất phong phú và đủ sức cạnh tranh tại các thị trường quốc tế. Hàng năm, KNXK của ngành KTTS chiếm trên 60% tổng KNXK toàn tỉnh.

Để ngành KTTS phát triển theo hướng bền vững, lâu dài, bên cạnh việc mở rộng đầu tư xây dựng các công trình hậu cần nghề cá, NTTS, tỉnh đã khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, nuôi trồng; tiến hành quy hoạch chi tiết các vùng NTTS... Tương lai không xa, ngành KTTS KH sẽ đạt được các mục tiêu và tiến thêm một bước trong quá trình thực hiện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

AN KHÁNH